Tiềm năng chờ được khai phá
Theo khảo sát của ngành văn hóa Quảng Ngãi, tỉnh này là nơi hội tụ cộng cư của đông đảo các dân tộc thiểu số (DTTS) gồm Hrê, Cor, Ca Dong, Hoa, Mường, Tày, Thái… với khoảng 187.090 người, chiếm 13,32% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc này có địa bàn cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh như Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.
Quảng Ngãi là địa phương hội tụ cộng cư của đông đảo các DTTS như Hrê, Cor, Ca Dong, Hoa, Mường, Tày, Thái… |
Trong quá trình cư trú, sinh hoạt và sản xuất, đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi đã kiến tạo nên những giá trị văn hoá đặc sắc được thể hiện trong đời sống, tín ngưỡng, qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian. Hay các làng nghề, những sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực, các điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện toàn tỉnh có gần 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 10 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có 5 di sản phi vật thể của đồng bào DTTS được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor, nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor (Trà Bồng); nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê (Ba Tơ).
Mỗi một dân tộc đều mang bản sắc văn hóa riêng từ phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian... đã dệt nên một bức tranh văn hóa Quảng Ngãi đa sắc màu. |
Mỗi một dân tộc đều mang bản sắc văn hóa riêng đã dệt nên một bức tranh văn hóa Quảng Ngãi đa sắc màu. Kết hợp với cảnh quan thiên nhiên độc đáo đã tạo nên thứ tài sản vô cùng quý giá, hấp dẫn du khách để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Tại huyện Trà Bồng, các địa danh như thác Ba Tầng, suối Trà Bói, nguồn nước khoáng nóng Thạch Bích, điện Trường Bà… cùng với khí hậu mát mẻ là điều kiện lí tưởng để địa phương phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Trong khi đó, Ba Tơ có hệ thống sông, suối với nhiều điểm đến rất đẹp như hồ chứa nước Tôn Dung, thác Lệ Trinh, thác Cao Muôn; thảo nguyên Bùi Hui. Hay Di tích Quốc gia Trường Lũy, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ…
Thác Cao Muôn là địa điểm hấp dẫn du khách đến check in, thư giản, camping. (Ảnh: Vương Quốc). |
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng hầu như hoạt động du lịch ở các huyện miền núi Quảng Ngãi còn chậm phát triển. Họ khao khát những nhà đầu tư lớn để vào đầu tư khai phá tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, nhiều rào cản khác nhau khiến việc kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch còn gặp khó.
Tận dụng tiềm năng để tăng thu nhập, đời sống người dân
Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, vừa diễn ra ngày 23/11, tham gia ý kiến, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng nhận định rằng, Quảng Ngãi có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Lý do, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng, các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS cùng hàng loạt những di sản văn hóa thiên nhiên mang sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
Đây là cơ hội hình thành các tour du lịch mới “tour du lịch lễ hội truyền thống các DTTS”, vừa tạo tính hấp dẫn cho điểm đến, vừa góp phần không nhỏ trong xây dựng hình ảnh thương hiệu của điểm đến và đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở vùng cao Quảng Ngãi có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch trong và ngoài nước. |
Ngoài ra, việc giới thiệu, quảng bá lễ hội truyền thống trong các hoạt động du lịch góp phần tích cực giúp bà con nhận thức được một cách thực tiễn những giá trị vật chất và tinh thần của lễ hội.
“Những điều trên sẽ giúp khơi dậy, giáo dục lòng tự hào về văn hóa truyền thống, tăng cường ý thức bảo vệ, gìn giữ lễ hội, người dân có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua các dịch vụ ăn uống; bán các mặt hàng thổ cẩm, đặc sản địa phương”, ông Thắng nói.
Cũng tại sự kiện, TS Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, về cơ bản chính quyền và ngành du lịch Quảng Ngãi có những quan tâm nhất định, ban hành chủ trương, chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tại các vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, thực tế hoạt động khai thác phát triển du lịch tại các vùng này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên việc đầu tư khai thác tiềm năng phục vụ cho du lịch ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn chưa xứng tầm. |
Bà Hoa đề nghị tỉnh cần dựa trên các đặc trưng văn hóa, thế mạnh về sinh thái cảnh quan và nhu cầu của thị trường để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian; du lịch gắn với các lễ hội truyền thống; du lịch ẩm thực.
Du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống, lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào DTTS; du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp tham quan, khám phá thiên nhiên hoang sơ; du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề, nghề truyền thống; du lịch mua sắm đặc sản vùng cao.
Phát triển du lịch vùng DTTS tại miền núi Quảng Ngãi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn đóng góp vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Khi du lịch phát triển, người dân có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh. |
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: "Giá trị văn hóa đặc sắc của các đồng bào DTTS tạo nên các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo. Bà con các DTTS cùng tham gia trong việc tạo sản phẩm cũng như cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ tạo sinh kế cho bà con, gắn bó bà con với công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của mình. Đấy là yêu cầu rất quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ cho phát triển du lịch”.