Vườn quốc gia Phú Quốc- “báu vật” Đảo Ngọc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, du lịch TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) rất phát triển, thu hút rất nhiều khu khách trong nước, lẫn quốc tế. Cư dân từ các nơi tập trung về TP. Phú Quốc sinh sống, lập nghiệp ngày càng tăng mạnh. Từ đó, có tác động lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc. Vì vậy, để bảo vệ khu rừng nằm trong lòng Đảo Ngọc đòi hỏi rất nhiều nổ lực.

Nhiều khó khăn trong quản lý

VQG Phú Quốc là một trong số ít các khu rừng đặc dụng cả nước quản lý cả 3 hợp phần gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Khu bảo tồn biển. Tổng diện tích rừng và mặt nước biển được giao quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển là 77.171 ha (hợp phần rừng đặc dụng VQG: 29.596 ha, hợp phần rừng phòng hộ: 6.666 ha, hợp phần bảo tồn biển 40.909 ha). Địa bàn quản lý hiện nay trải dài từ Nam đảo đến Bắc đảo. Với diện tích rộng lớn như vậy nhưng phải quản lý cả rừng và biển, trong khi đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng rất ít, chỉ được 48 người và phân bố ở 15 Đội quản lý bảo vệ rừng, mỗi Đội khoảng 2-3 người. Phương tiện và dụng cụ trong quản lý bảo vệ, tuần tra rừng và biển cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Do đó, công tác công tác quản lý bảo vệ rừng, biển và bảo tồn đa dạng sinh học gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc

VQG Phú Quốc “nằm trong thành phố và thành phố nằm trong rừng”. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Phú Quốc thay đổi từng ngày; sự biến đổi cuộc sống, văn hóa, tinh thần, tập quán, nghề nghiệp cũng thay đổi. Cư dân từ các nơi khắp cả nước tập trung về TP Phú Quốc sinh sống, từ đó có tác động lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng của VQG Phú Quốc. Dân cư sống đan xen trong rừng, các tuyến đường giao thông xuyên qua rừng….

Từ đó tiềm ẩn nguy cơ rừng bị phá, lấn chiếm, và mùa khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong khi đó, thẩm quyền xử lý không có, khi bắt được đương sự vi phạm bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm xử lý. Thủ đoạn phá của các đối tượng là vào các ngày nghỉ lễ, thứ bảy và chủ nhật, thời gian vào lúc khoảng 1-2 giờ sáng, có tổ chức đông người, khi bắt được họ khai làm thuê, không rõ địa chỉ.

Chế độ chính sách của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng không được hưởng các chế độ như lực lượng kiểm lâm. Thi hành nhiệm vụ không kể ngày đêm, mưa nắng luôn trực chiến ngoài rừng, mùa mưa như mùa nắng rất vất vả.

Do đặc thù của VQG Phú Quốc có nhiều đường giao thông xuyên qua rừng, dân cư sinh sống không thành cụm mà đan xen trong VQG; nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng của người dân còn chủ quan nên vẫn còn tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác các lâm sản khác ngoài gỗ; săn, bắt động vật rừng từng lúc từng nơi vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên và đa dạng sinh học ở VQG Phú Quốc.

Ông Lâm Minh Thành (bìa trái), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng đoàn công tác kiểm tra, xử lý và khôi phục rừng Phú Quốc

Ông Lâm Minh Thành (bìa trái), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng đoàn công tác kiểm tra, xử lý và khôi phục rừng Phú Quốc

Đối với Khu bảo tồn biển thì chưa lắp đặt, thả phao đánh dấu ranh giới khu bảo tồn biển, ranh giới các phân khu chức năng và phao cho tàu thuyền buộc neo nên gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Việc khai thác thủy sản và hoạt động du lịch trái phép trong khu bảo tồn biển còn xảy ra. Chưa hỗ trợ được sinh kế của người dân sống sống xung quanh khu bảo tồn biển nên chưa thay đổi được tập quán đánh bắt.

Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển đang trong quá trình xây dựng nên chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện liên kết trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái tự nhiên trên biển và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn biển theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/03/2019 của Chính phủ.

Nỗ lực bảo vệ “báu vật” Đảo Ngọc

Dù công tác quản lý còn nhiều khó khăn nhưng Giám đốc VQG Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp khẳng định: Với sự nổ lực, tâm huyết của cán bộ công chức, viên chức VQG, cùng với sự lãnh đạo của Ban giám đốc thì gian qua đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý bảo vệ, xử lý vi phạm, phòng chống cháy rừng trong thời gian quan đạt được nhiều kết quả, nhiều năm liền không xảy ra cháy rừng. Tình hình lấn chiếm đất rừng cũng được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Vườn quốc gia Phú Quốc nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái Phú Quốc

Vườn quốc gia Phú Quốc nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái Phú Quốc

VQG Phú Quốc đã thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, những kết quả đạt được góp phần nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước giúp đảm bảo đời sống của người dân, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ các loài cây bản địa quý hiếm, các hệ sinh thái và sinh cảnh đặc trưng. VQG Phú Quốc còn giữ được nguyên vẹn 3 hệ sinh thái rừng đặc trưng của thành phố gồm: Hệ sinh thái rừng thường xanh cây họ dầu; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái rừng tràm, truông nhum.

Các chương trình, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học về phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động hợp tác trong nước về bảo tồn thiên nhiên trong thời gian qua đã được VQG Phú Quốc phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn nghiên cứu thực hiện đạt được nhiều kết quả, đã bổ sung thêm vào danh lục động, thực vật rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho VQG.

Nói về giải giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và bảo tồn biển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tiệp chia sẻ: Chúng tôi đang tập trung xây dựng và hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững cho VQG Phú Quốc.

Xây dựng kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu, như: Bảo tồn loài linh trưởng (Vooc bạc Đông Dương và Cu li); các loài lan quý hiếm của VQG Phú Quốc và phòng trừ sinh vật ngoại lai gây hại; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và loài cây Cóc đỏ quí, hiếm.

Triển khai thực hiện tốt, có sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa VQG Phú Quốc với các sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và bảo tồn biển và Quy chế phối hợp giữa VQG Phú Quốc và Công an tỉnh Kiên Giang về đảm bảo an ninh trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đoàn công tác kiểm tra, xử lý và khôi phục rừng Phú Quốc

Đoàn công tác kiểm tra, xử lý và khôi phục rừng Phú Quốc

Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các chương trình, dự án khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn biển tại VQG. Duy trì phối kết hợp chặt chẽ trong công tác chuyên môn của ngành để bảo đảm diện tích rừng và đất rừng hiện có. Hoàn thành Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển.

Ông Nguyễn Văn Tiệp cũng cho biết, đơn vị sẽ tập trung điều tra vùng đất ngập nước với các loài thủy sinh nước ngọt trong. Mở các lớp tập huấn, các đợt vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học hàng năm cho các em học sinh, cán bộ địa phương, các khu dân cư, các tổ chức quần chúng và các hộ gia đình./.

Ban Giám đốc VQG Phú Quốc cho biết, trong năm 2022 đã tổ chức tuần tra truy quét bảo vệ rừng được 5.138 cuộc, có 13.004 lượt người tham gia. Hủy bỏ tại rừng 8 căn chòi, 1 nhà tiền chế, 418 trụ bê tông, 36 trụ gỗ, 2.539 m kẽm gai và 6.134 cây trồng các loại và 125 gốc tre trồng trái phép trong rừng. Buộc làm cam kết tháo dỡ 1 chòi, buộc cam kết giáo dục 4 trường hợp.

Phối hợp Tổ Công tác đặc biệt, Hạt Kiểm lâm TP, chính quyền địa phương động viên di dời vật kiến trúc, cây trồng trái phép trên đất nhà nước quản lý: 24 trụ bê tông, 120 m kẽm gai và 3.221 cây trồng các loại; di dời 2 chòi tạm, 100 trụ bê tông, 270 m kẽm gai và 3.640 cây trồng các loại; tháo dỡ 1 khung nhà tạm; hủy tại rừng 8 căn nhà, 11 cái chòi, 1 khung nhà bằng cây tròn, 1 đường bê tông dài 291 m.

Các Đội Quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia đã phát hiện lập biên bản chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền vụ 472 vụ.