Vướng mắc ở thực hiện
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Luật là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. So với Tờ trình trước đó, tại Tờ trình gửi tới UBTVQH ngày 18/10, Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định trong 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng được cho là đang gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự thất vọng khi những đề xuất sửa đổi được nêu trong dự án Luật không thể hiện được tính cấp bách phải sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng; không thể hiện được rõ khi thay đổi theo đề xuất thì sẽ tháo gỡ được khó khăn gì cho doanh nghiệp.
“Điều 19 Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định Chính phủ quy định chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cho đến nay Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn Điều 19 thì lại trình sửa. Luật Doanh nghiệp đề nghị sửa 3 điều nhưng tôi thấy không có cái nào cần thiết, chỉ có quy định liên quan đến ngoại hối là có thể liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn những quy định còn lại chỉ liên quan đến thủ tục hành chính, chưa tới mức “cháy nhà, chết người” – Chủ tịch QH phân tích.
Cẩn trọng khi “1 luật sửa nhiều luật”
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị hết sức cân nhắc việc dùng 1 luật sửa nhiều luật. “Mỗi luật có đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng nên cần cân nhắc dù luật cho phép. Cái gì sửa mà phá vỡ cấu trúc của từng đạo luật thì cần nghiên cứu kỹ” – bà nói.
Còn Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng việc trình dự án quá gấp rút, không tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “bước lùi về quy trình, thủ tục”. “Hơn nữa, cần đặt ra câu hỏi là kỳ này Chính phủ đề nghị sửa một số luật gấp gáp như vậy thì kỳ sau có sửa tiếp không? Nếu cứ sửa luật nhiều quá thì tôi rất băn khoăn về tính ổn định của hệ thống pháp luật” - ông Phúc bày tỏ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của UBTVQH là luôn ủng hộ Chính phủ để giải quyết những khó khăn của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng dự án này căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian và chất lượng chưa đảm bảo.
Đồng thời, theo quy định về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn thì chỉ trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách thì mới giải quyết, nhưng các vấn đề Chính phủ nêu trong dự án luật có những vấn đề chưa phải là vấn đề cấp bách. Nhiều nội dung được nêu trong dự thảo Luật nếu hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp và Xây dựng thì có thể giải quyết được các vấn đề Chính phủ đề xuất.
Hơn nữa, các Luật Đầu tư, Xây dựng, Doanh nghiệp cũng mới ban hành, có đời sống ngắn chưa có gì thấy vướng mắc quá lớn. UBTVQH thấy có nhiều ý kiến khác nhau. Những ý kiến khác nhau đó nếu không được xem xét thận trọng thì không những không tạo được điều kiện cho doanh nghiệp mà còn có thể cản trở doanh nghiệp, tạo xung đột pháp lý. “Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại, chưa trình ra Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV” – Phó Chủ tịch QH nêu rõ.
Riêng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình QH sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp QH tới theo trình tự thủ tục rút gọn.