Thời hạn cụ thể với từng biện pháp bảo đảm
Khi áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên còn gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin, tiến hành xác minh về tài khoản của người phải thi hành án do các quy định về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng, Kho bạc nhà nước. Có tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa chịu hợp tác trong việc cung cấp thông tin cho người được thi hành án. Trong khi đó, Điều 176 Luật THADS chỉ quy định trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong THADS chứ không quy định cụ thể việc xử lý khi các tổ chức trên không thực hiện trách nhiệm phối hợp của mình theo quy định của pháp luật.
Về thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS, Luật THADS quy định đối với biện pháp phong tỏa tài khoản thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.
Đối với biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật THADS; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyển tờ hữu, sử dụng.
Còn với biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật THADS; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là cần thiết. Sau khi hết thời hạn quy định thì Chấp hành viên buộc phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thi hành án. Điều này sẽ đảm bảo việc thi hành án được thực hiện liên tục, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
Chưa đủ căn cứ tiến hành bước tiếp theo
Tuy nhiên, quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án với thời hạn nhất định, không có trường hợp ngoại lệ thì trong một số trường hợp thực tế đã gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên khi giải quyết việc thi hành án. Sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì trong nhiều trường hợp Chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản, thông tin về tài sản rồi sau đó mới quyết định có kê biên, xử lý tài sản hay không.
Cụ thể, tại Điều 89 Luật THADS quy định trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký. Trong trường hợp này thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn phụ thuộc Chấp hành viên mà còn phụ thuộc vào các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin, đôi khi bị chậm trễ, kéo dài. Như vậy, trong trường hợp trên Chấp hành viên không thể tiến hành cưỡng chế cũng như không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án vì chưa có đủ các căn cứ cần thiết.
Mặt khác, có những trường hợp Chấp hành viên chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nhưng các bên đương sự vẫn có thể tiến hành các thỏa thuận về biện pháp và thời gian thi hành án. Do vậy không phải trường hợp nào khi đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cũng sẽ dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án.
Trong trường hợp các bên đương sự đã thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án mà thời gian đó dài hơn thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì Chấp hành viên vẫn không thể ra quyết định cưỡng chế vì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, đồng thời cũng không có căn cứ để ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án tự nguyện yêu cầu chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó.
Thực tế nêu trên đặt ra vấn đề khi đã hết thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo luật định mà Chấp hành viên chưa có đủ căn cứ tiến hành các bước tiếp theo như áp dụng biện pháp cưỡng chế hay chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thì quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có còn hiệu lực thi hành nữa hay không? Đây vấn đề còn bất cập mà Chấp hành viên gặp phải trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xem xét sửa đổi.