WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khẳng định của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - cho biết, kể từ khi thành lập (năm 2017) Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đã đưa được 40 khuyến nghị chính sách về năng lượng ở Việt Nam và những khuyến nghị này đã được thực hiện một phần hoặc toàn phần.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - cho biết, Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xây dựng cơ cấu năng lượng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là một đóng góp quan trọng, không chỉ phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Liên minh Châu Âu cũng như các đối tác phát triển khác có mặt ở đây để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng này, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp địa phương cũng như quốc tế.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, định chế này có những đầu tư khác trong ngành giao thông, nông nghiệp, hỗ trợ các dự án đầu tư, đưa vào các công cụ giảm thiểu rủi ro, khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân, tài trợ cho khu vực công…

“Chúng tôi sẽ cung cấp những khoản bảo lãnh để khối kinh tế tư nhân tham gia với chi phí hấp dẫn hơn, có thể cung cấp những nguồn vốn bổ sung, sẵn sàng có những hỗ trợ về tài chính cho Việt Nam đạt mục tiêu cam kết tại COP26”, bà Carolyn Turk nói.

Trong vài thập kỷ qua, ngành năng lượng đã đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng và bao trùm tại Việt Nam. Trong thập kỷ tới, ngành năng lượng cần phát thải ít các-bon hơn và dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguồn nhiên liệu tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất.

“Chúng ta sẽ phải làm điều này trong bối cảnh vừa phải duy trì đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng với chi phí hợp lý, đồng thời vẫn đảm bảo được sự ổn định về tài chính, tạo động lực phát triển ngành. Để thực hiện được những mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn”, bà Carolyn Turk chia sẻ.

Hai đại diện của Liên minh châu Âu và WB đều cho rằng, để thực hiện được cam kết tại COP26, Việt Nam không thể chỉ bắt đầu với ngành năng lượng mà phải thực hiện đồng bộ từ các ngành khác như giao thông, nông nghiệp...

Đọc thêm