WHO bị cáo buộc phớt lờ nguy cơ dịch bệnh lây lan qua không khí

(PLVN) - Hơn 6 tháng kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu bùng phát, lây lan nhanh trên toàn cầu và khiến cho hơn nửa triệu người tử vong. Hơn 200 nhà khoa học vừa đứng lên thách thức quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 lây mạnh qua đường không khí chứ không an toàn như WHO từng khuyến cáo. Nhưng WHO vẫn chưa công nhận.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cho đến thời điểm này, WHO cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn duy trì quan điểm: virus chỉ lây lan chủ yếu qua hai con đường là bề mặt bị nhiễm bẩn và giọt bắn hô hấp từ người bệnh. Trước đó, tổ chức thừa nhận nCoV có thể lây lan qua khí dung, song nhận định điều này chỉ xảy ra trong môi trường bệnh viện, khi bác sĩ tiến hành các thủ thuật y khoa như đặt nội khí quản.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng WHO đã bỏ qua con đường truyền bệnh thứ ba, cũng nguy hiểm không kém, đó là khí dung giao (aerosol) - phiên bản siêu nhỏ của giọt hô hấp thông thường. Nói một cách đơn giản, aerosol là các hạt nhỏ hoặc chất lỏng, phân tán ổn định và lơ lửng trong không khí và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Điểm khác biệt cơ bản giữa lây nhiễm qua khí dung giao và giọt bắn (ví như những giọt nước từ nói chuyện, hắt hơi, ho…) đó chính là khoảng cách. Cả hai đều phát sinh ở cự ly gần, nhưng khí dung giao có khoảng cách lây lan rộng và dài hơn giọt bắn.

Điều này đồng nghĩa với việc Covid-19 có thể không chỉ truyền qua hít phải các giọt hô hấp ở phạm vi gần (thường được quy định là dưới 2m theo các hướng dẫn giãn cách xã hội), mà còn có thể truyền trong môi trường phòng thông gió kém, xe buýt và các không gian hạn chế khác, dù mọi người đứng cách xa nhau, do đó nguy cơ lây nhiễm càng gia tăng. 

Bà Lidia Morawska, Giáo sư khoa học khí quyển và kỹ thuật môi trường tại Đại học Công nghệ Queensland, Brisbane, Australia cho biết: “Chúng tôi chắc chắn 100% về điều này”.

Các nhà khoa học đã gửi thư ngỏ tới WHO, cáo buộc cơ quan này không đưa ra những cảnh báo thích hợp về rủi ro trên. Tổng cộng có 239 nhà nghiên cứu từ 32 quốc gia ký bức thư, dự kiến được công bố trong tuần tới trên một tạp chí khoa học.

Các chuyên gia cho rằng việc truyền qua aerosol là cách duy nhất để giải thích cho một số trường hợp “siêu lây lan”: Ví dụ như trường hợp lây lan giữa các thực khách đã ngồi bàn riêng trong nhà hàng ở Trung Quốc, hay những thành viên dàn hợp xướng ở bang Washington trong một buổi tập luyện dù họ đã đề phòng.

Phản bác lại luận điểm trên, trong một phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, Tiến sĩ Benedetta Allegranzi, chuyên gia hàng đầu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng cho rằng, giả thuyết từ Giáo sư Lidia Morawska và đồng nghiệp đưa ra các lý thuyết trên chỉ dựa trên thí nghiệm trong phòng thí nghiệm thay vì bằng chứng từ hiện trường.

“Chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng ý kiến, đóng góp của họ trong cuộc tranh luận này”, Tiến sĩ Benedetta Allegranzi viết trong một email. Nhưng chuyên gia này cũng cho biết thêm, trong các cuộc họp từ xa hàng tuần, phần lớn trong hơn 30 chuyên gia quốc tế tư vấn cho WHO “đã đánh giá không giá có đủ bằng chứng thuyết phục rằng con đường lây truyền qua aerosol đóng vai trò quan trọng khiến dịch Covid-19 lan rộng”.

Còn theo bà Jose Jimenez, một trong những chuyên gia ký tên trong danh sách hơn 200 chuyên gia kể trên, đã khẳng định thông tin này không phải để làm người dân hoảng loạn: “Virus không thay đổi. Nó đã lây lan theo hình thức đó từ đầu rồi. Hiểu thêm điều này giúp chúng ta tự bảo vệ cơ thể tốt hơn”.

Trước đó, sau những tuyên bố đầu tiên tại Thượng Hải hồi tháng Hai, Giáo sư danh dự tại Học viện thú y chuyên nghiệp của Đài Loan, ông Lại Tú Tuệ (Lai Xiusui) cũng đã nói: “Căn cứ theo tình hình và tốc độ lây lan ở Trung Quốc hiện nay, sự truyền nhiễm của virus qua không khí có khả năng rất cao. Trung Quốc hiện tại chỉ dám nói về việc lây lan qua khí dung giao, kỳ thực chính là không dám trực tiếp tuyên bố bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán còn có thể lây truyền qua đường không khí... chính quyền Trung Quốc hiện tại vẫn là muốn che giấu sự thật”. 

Hồi tháng 3, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England đã phát hiện ra rằng, tại phòng thí nghiệm, điều kiện ẩm ướt, nCoV có thể “tồn tại và lây lan” trong ba giờ, tương đương với khoảng 30 phút ở điều kiện thực tế. Nhiều chuyên gia cũng xác nhận một số bệnh nhân “siêu lây nhiễm” có mật độ hô hấp đặc biệt cao, thở ra khoảng 1.000 lần so với bình thường. 

Các nhà khoa học từng nghiên cứu về vai trò của khí dung giao aerosol trong sự lây lan cúm, Sars và những bệnh truyền nhiễm khác cho rằng, nCoV ít lây truyền qua không khí hơn bệnh sởi, nhưng rủi ro càng cao nếu chúng ở trong môi trường càng lâu. Ở những cuộc phỏng vấn trước đó, họ nhận định WHO đã không ý thức được tầm nghiêm trọng của hình thức lây nhiễm này, mà chỉ đưa ra cảnh báo đối với hai đường truyền khác của virus. 

Donald Milton, Giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Maryland, người cùng viết thư ngỏ, cho biết trung bình một người hít vào 10.000 lít không khí mỗi ngày. “Bạn chỉ cần một lượng lây nhiễm trong 10.000 lít, nên có thể rất khó tìm ra. Đó là vấn đề”.