WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin'

(PLVN) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác về vấn đề sở hữu vắcxin phòng dịch COVID-19, khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin'

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định rằng, nhằm đảm bảo nguồn cung vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn.

Ông gọi hiện tượng này là "chủ nghĩa dân tộc vắcxin”.

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước - không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn". Ông Ghebreyesus cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vắcxin phòng ngừa COVID-19.

Nội dung chính của cuộc họp báo là về những trở ngại hậu cần mà WHO phải đối mặt trong 8 tháng qua. Tedros cho biết Covid-19 đặt ra một trong thử thách hậu cần khó khăn nhất đối với WHO, khi nhu cầu về nguồn cung vật tư y tế tăng lên nhanh chóng khắp toàn cầu. 

Ông Tedros nói: "Các nhà sản xuất ở vài quốc gia chủ chốt bị đặt dưới lệnh phong tỏa. Vận tải hàng không, con đường để chuyển vật tư đi khắp thế giới, dần sụp đổ. Một số quốc gia quyết định hạn chế xuất khẩu. Vài trường hợp trưng dụng nguồn vật tư quan trọng vì mục đích quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc trong chuỗi cung ứng đã khiến đại dịch trầm trọng thêm, là một trong những lý do dẫn tới thất bại toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu".

Theo giám đốc WHO, dù các lãnh đạo mong muốn bảo vệ người dân của họ, đại dịch này cần tới phản ứng tập thể. "Khi những phương pháp chẩn đoán, thuốc và vaccine mới giúp chống lại đại dịch được triển khai, điều quan trọng là các quốc gia không được lặp lại sai lầm. Chúng ta cần tránh chủ nghĩa dân tộc vaccine", ông nói.

Ông Tedros cho biết, ông đã gửi thư tới tất cả 194 thành viên của WHO, đề nghị họ tham gia nỗ lực đa phương nhằm phát triển vaccine Covid-19 có tên COVAX. "Đây là cơ chế quan trọng trong việc cùng chia sẻ nguồn cung và rủi ro đối với nhiều loại vaccine", giám đốc WHO giải thích. WHO đưa ra thời hạn 31/8 để các quốc gia giàu có tham gia COVAX.

Việc Tedros thúc đẩy các quốc gia tham gia COVAX diễn ra khi Liên minh châu Âu, Anh, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ thỏa thuận với các công ty thử nghiệm vaccine tiềm năng. Nga và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu vaccine và WHO lo ngại lợi ích quốc gia có thể cản trở các nỗ lực toàn cầu.

Cho đến nay, COVAX đã thu hút sự quan tâm từ 92 quốc gia nghèo quyên góp tự nguyện và 80 quốc gia giàu có hơn. Tuy nhiên, một số quốc gia đang chờ thời hạn 31/8 trước khi đưa ra cam kết do các điều khoản của COVAX vẫn đang được hoàn thiện.

Hiện có hơn 150 loại vaccine đang được phát triển, khoảng hai chục loại vaccine được thử nghiệm trên người và một số ít đang thử nghiệm giai đoạn cuối.

Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins (Mỹ), tính đến hết ngày 18/8, toàn thế giới có 21.786.563 người nhiễm COVID-19 (tăng thêm 209.672 người so với ngày hôm trước), trong đó, 770.808 người đã chết (tăng thêm 4.130 ca chỉ sau 1 ngày).

Đọc thêm