WHO kêu gọi hành động khẩn cấp trước khi có thêm nửa triệu người chết vì COVID-19

(PLVN) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "rất lo lắng" về sự lây lan của COVID-19 ở châu Âu khi châu lục này phải đối mặt với một làn sóng nhiễm trùng mới, Hãng tin APA thông tin.
Cảnh sát kiểm tra thẻ tiêm chủng ở Áo. Ảnh: AP

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo rằng có thể ghi nhận thêm 500.000 trường hợp tử vong vào tháng 3 trừ khi có hành động khẩn cấp, trong đó, Tiến sĩ Kluge cho biết việc tăng cường đeo khẩu trang có thể giúp ích ngay lập tức với việc hạn chế sự lay lan của dịch.

Cảnh báo được đưa ra khi một số quốc gia báo cáo tỷ lệ lây nhiễm cao kỷ lục và đưa ra các biện pháp phong tỏa toàn bộ và một phần.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Tiến sĩ Hans Kluge.

Tiến sĩ Kluge cho biết các yếu tố như mùa đông, tỷ lệ tiêm vaccine không đủ và sự thống trị trong khu vực của biến thể Delta dễ lây truyền hơn là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan kinh hoàng của COVID-19 ở lục địa già.

Ông kêu gọi tăng cường sử dụng vaccine và thực hiện các biện pháp y tế công cộng cơ bản và các phương pháp điều trị y tế mới để giúp chống lại sự gia tăng này. “COVID-19 một lần nữa lại trở thành nguyên nhân gây tử vong số một trong khu vực của chúng tôi", đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi biết cần phải làm gì để chống lại virus".

Tiến sĩ Kluge cho biết các biện pháp tiêm chủng bắt buộc nên được coi là "biện pháp cuối cùng" nhưng sẽ là "rất kịp thời" để có một "cuộc tranh luận pháp lý và xã hội" về vấn đề này. "Trước đó, có những phương tiện khác như thẻ COVID", đây "không phải là hạn chế tự do, mà nó là một công cụ để giữ tự do cá nhân của chúng ta", Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh.

Áo hôm thứ Sáu đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thông báo bắt buộc tiêm chủng phòng COVID-19 với tất cả những người thuộc diện tiêm chủng. Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào tháng Hai, vì chi tiết về cách thức thực thi biện pháp này vẫn đang được thảo luận. Thông báo này, cùng với đó là lệnh phong tỏa toàn quốc mới được đưa ra để đối phó với số ca mắc bệnh kỷ lục và mức độ tiêm chủng thấp.

Theo WHO, trong số 3,3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới được báo cáo trên toàn thế giới vào tuần trước, 2,1 triệu ca ở châu Âu. Ảnh: AP

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết đây là một quyết định khó thực hiện trong một xã hội tự do, nhưng vaccine là "tấm vé thoát duy nhất mà chúng ta có để phá vỡ vòng luẩn quẩn này".

"Đó là một vấn đề của toàn xã hội bởi vì ngay cả những người được tiêm chủng, nếu họ không được vào phòng chăm sóc đặc biệt vì những người không được tiêm chủng và bị bệnh COVID-19, thì những người được tiêm chủng cũng bị ảnh hưởng", ông Schallenberg nói.

Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang áp dụng các biện pháp mới khi các ca nhiễm gia tăng. Cộng hòa Séc và Slovakia cũng đã công bố những hạn chế mới đối với những người chưa được tiêm chủng.

Chính phủ Hà Lan đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mới để chống dịch COVID-19 đang hoành hành dù một số người dân phản đối.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã mô tả tình hình là "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và không loại trừ một cuộc phong tỏa toàn quốc có thể được đưa ra.

Chính phủ Anh đã liên tục cho biết họ không có kế hoạch cho một cuộc phong tỏa khác đối với nước Anh, nhưng đã nói rằng họ có thể đưa ra các biện pháp phòng COVID-19 bổ sung - được gọi là Kế hoạch B - để bảo vệ hệ thống y tế. Chúng sẽ bao gồm hộ chiếu COVID bắt buộc cho một số địa điểm công cộng trong nhà, bắt buộc dùng khẩu trang ở một số môi trường trong nhà và tăng cường làm việc tại nhà.