Để chi tiết những biện pháp khuyến nghị, trong ngày 5/12, WHO đã phát hành sổ tay kỹ thuật hướng dẫn 194 quốc gia thành viên thực hiện chính sách đánh thuế và quản lý đồ uống có cồn.
Sau khi nghiên cứu thuế suất, WHO nhận định thuế trung bình toàn cầu đối với những "sản phẩm không tốt cho sức khỏe" như vậy hiện ở mức thấp. Trong khi đó, mỗi năm có 2,6 triệu người tử vong do sử dụng đồ uống có cồn và 8 triệu người tử vong do chế độ ăn không lành mạnh.
WHO nêu rõ mặc dù hiện có 108 quốc gia áp một số loại thuế đối với các mặt hàng đồ uống có đường, nhưng trên toàn cầu, thuế tiêu thụ đặc biệt trung bình chỉ chiếm 6,6% giá nước ngọt. Một nửa trong số các quốc gia này đánh thuế nước uống thông thường. Tuy nhiên, WHO không khuyến nghị áp thuế này.
Đã có ít nhất 148 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước đối với đồ uống có cồn. Trên toàn cầu, trung bình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thương hiệu bia bán chạy nhất là 17,2%, trong khi mức thuế như vậy đối với thương hiệu rượu đắt khách nhất là 26,5%.
Một nghiên cứu năm 2017 của WHO cho thấy rằng thuế làm tăng giá rượu lên 50% sẽ giúp ngăn chặn hơn 21 triệu ca tử vong trong 50 năm và tạo ra doanh thu bổ sung gần 17.000 tỷ USD. Con số này tương đương với tổng doanh thu của 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một năm.
Ông Rudiger Krech - Giám đốc phụ trách mảng tăng cường sức khỏe của WHO cho biết: "Việc đánh thuế những "sản phẩm không tốt cho sức khỏe" sẽ tạo nền tảng dân cư khỏe mạnh".