Nói về chứng tích chiến tranh có lẽ xác chiếc máy bay B52 ở hồ Hữu Tiệp - Hà Nội - là một chứng tích đặc biệt. Nó đặc biệt bởi nhiều lẽ, nhưng bao trùm lên tất cả đó là ý chí bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Hòn non bộ đuy-ra
Bốn mươi năm, nửa đời người đã trôi qua nhưng ở mặt hồ Hữu Tiệp, xác chiếc máy bay B52 Mỹ vẫn nổi lên như một “hòn non bộ đuy-ra”. Hỏi bất kỳ một người dân nào ở đây, từ những đứa trẻ cắp cặp đi học đến người già, đều thấy nét bình thản trong câu nói: “Xác B52 đấy!”. Nhưng, trong cái bình thản đó là niềm tự hào...
Hồ Hữu Tiệp và xác B52 tồn tại qua thời gian |
“Hòn non bộ đuy-ra” ấy là cách gọi của chính người dân làng hoa Hữu Tiệp, Ngọc Hà ngay từ dạo đó đến giờ. Các cụ già ở Hữu Tiệp kể lại, xác máy bay rơi tung tóe khắp nơi ấy vậy mà chẳng có cái nào trúng giữa luống hoa. Sau sự kiện máy bay B52 rơi, sau những trận bom, hoa làng thi nhau nở bung khoe sắc. Những thược dược, những dơn, những hồng thắm đỏ…
Cô gái làng bình thản tưới hoa, sau lưng cô là xác chiếc máy bay nhô lên trên mặt nước. Bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo đã đi vào lịch sử. Một bức ảnh nhưng nó là cả một câu chuyện về cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Những thoi vàng hồ rắc”
Theo tư liệu còn lưu tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đêm chiếc máy bay B52 rơi ở làng hoa Hữu Tiệp, Ngọc Hà đó là đêm thứ 9 của cuộc tập kích tháng 12/1972. Đêm đó, từ 3 hướng Đông Nam, Tây, Tây Bắc, 36 chiếc B-52 đánh vào Hà Nội. Tại một cánh đồng huyện Yên Phong, Bắc Ninh, Tiểu đoàn 72 tên lửa, Trung đoàn 285 vừa cơ động từ Hải Phòng lên (chiều 23/12/1972 Tiểu đoàn 72 nhận lệnh hành quân thần tốc lên Hà Nội để tăng cường bảo vệ Thủ đô), lập một trận địa mới chặn địch từ hướng Đông Bắc.
Bộ bàn ghế làm bằng xác máy bay |
Ông Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 lúc đó, vẫn nhớ như in lúc ấy là 23 giờ 03 phút, radar phát hiện có một tốp B52 đang tiến về hướng Hà Nội. Sau khi nghe các trắc thủ báo cáo, vị tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển: “Bắn!”. Hai dòng lửa sáng lòa như xé tan màn đêm. Rồi một chùm lửa như ngọn đuốc khổng lồ, mỗi lúc một to thêm, thắp sáng cả một góc trời Hà Nội. Đó chính là chiếc máy bay rơi xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27/12/1972. Một phần của thân rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, một phần khác rơi xuống hồ Hữu Tiệp…
“Những thoi vàng hồ rắc” - là chữ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân trong loạt phóng sự của ông đăng trên báo Hà Nội Mới vào tháng 1/1973, ngay sau 12 ngày đêm lịch sử Điên Biên Phủ trên không.
Trong phóng sự mang tên “Vụn B52 và hoa Hà Nội chiến thắng”, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “… Pháo đài bay chiến lược Mỹ bị Hà Nội bắn rơi tại chỗ, vung vãi theo một vệt dài, kéo từ hồ Tây qua Thụy Khuê rồi sang thôn Ngọc Hà.
Người xã viên chài lưới hồ Tây, người thợ lò da Thụy Khuê phải dọn dẹp mặt hồ, mặt sân nhà máy. Người trồng hoa tập thể phải vun quén lại góc vườn bông. Ngồi trực thăng ta mà nhìn xuống những điểm có các đuy-ra Mỹ vãi rụng, thấy như đó là những thoi vàng hồ rắc (thoi vàng làm bằng hợp kim cao cấp Mỹ), đánh dấu cho một đợt chót đám ma Mỹ xâm lược…”.
“Tôi tự hào bản lĩnh Việt!”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (phóng viên Ban Phóng sự - Điều tra, báo Hà Nội Mới) – chủ nhân sưu tầm của những món đồ vật dùng cho sinh hoạt hằng ngày được chế tác từ phế liệu chiến tranh vừa được trưng bày tại triển lãm “Tôi kể chuyện này” ở Hà Nội, đã nói với tôi như vậy.
Trong hơn 50 món đồ được trưng bày, có rất nhiều được làm từ xác máy bay B.52 bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - Chủ nhân của những đồ dùng được làm từ xác B52 |
Đây “Bộ bàn ghế làm từ mảnh máy bay B52 bị bắn cháy rơi xuống làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và Hoàng Hoa Thám tháng 12/72. Mặt sau của chiếc bàn và 6 chiếc ghế vẫn còn nguyên màu xanh xám (màu chính của các loại vũ khí và thiết bị quân sự của quân đội Mỹ).
Một trong 6 chiếc ghế vẫn còn hàng chữ bằng tiếng Anh. “Đĩa đựng chén uống nước làm bằng xác máy bay B52 bị bắn cháy rơi tại làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp”; “Hòm đựng đồ chữa xe đạp làm từ mảnh máy bay B52 bị bắn cháy rơi tại làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp”, “Hai chiếc xô này cũng làm từ mảnh máy bay B52 bị bắn cháy rơi tại làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp”…, những tấm biển chú dẫn đã “kể” câu chuyện của mình như thế.
“Cầm trên tay những đồ vật làm từ xác chiếc B52 đó, tôi rất tự hào vì bản lĩnh của người Hà Nội, người Việt Nam mình. Sự nguy hiểm cận kề (máy bay rơi ngay trong nội đô, gần cơ quan đầu não của cả nước) nhưng nhịp sống vẫn diễn ra bình tĩnh đến lạ lùng. Không những thế trong bom đạn, chiến tranh khốc liệt mà người dân vẫn tài hoa tạo ra những vật dụng phục vụ cuộc sống.
Đó không chỉ là sáng tạo, mà còn là mong muốn của mỗi người Việt Nam bởi những vũ khí giết người kia đã được "hóa kiếp" để đừng bao giờ quay trở lại tàn sát và gây tội ác. Đây chính là thông điệp hòa bình một cách cụ thể nhất”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.
Hồng Minh