10/13 địa phương bị ảnh hưởng
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xâm nhập mặn (XNM) mùa khô năm 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có một số đặc điểm nổi bật, khác với quy luật nhiều năm.
Đó là: Xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng; Thời gian XNM kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016; Độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.
Đặc biệt, XNM năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, ranh giới độ mặn 4gam/lít đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600ha, cao hơn năm 2016 là 50.376ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500ha/176.700ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000ha.
Đối với vụ đông xuân 2019-2020, có 6 tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, XNM với tổng diện tích khoảng 41.900ha, trong đó, có 26.000ha thiệt hại mất trắng. Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300ha.
Hạn và XNM đã làm khoảng 6.650ha cây ăn trái tại 6 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) thiếu nước tưới, giảm năng suất, khoảng 355ha bị thiệt hại mất trắng; đã làm 1.241ha cây màu (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau) thiếu nước tưới, trong đó có 541ha bị thiệt hại mất trắng. Nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cũng bị thiệt hại hơn 8.715ha, trong đó nghề nuôi cá truyền thống thiệt hại 1.234ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha.
Hạn, XNM cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ (430.000 nhân khẩu) đang sinh sống tập trung tại 7 tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình.
Ngoài ra, hạn hán, XNM đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh. Tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long. Riêng tại vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920m làm thiệt hại về nhà, đất ở, đất trồng cây lâu năm và hoa màu của 108 hộ dân.
Bài học kinh nghiệm
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương nhận định việc giảm thiểu thiệt hại XNM vừa qua phần lớn nhờ vào công tác dự báo XNM, nhất là việc nhận định sớm thời điểm XNM ảnh hưởng để việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước. Các địa phương đã chuẩn bị được kịch bản thiệt hại rất kỹ dựa vào năm 2016, đã kịp thời khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của XNM. Đa dạng hóa phương thức, phổ biến thông tin qua các mạng xã hội, như: facebook, zalo, viber,... đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, các công trình kiểm soát mặn liên tỉnh đã giúp chủ động trực tiếp kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát XNM cho gần 400.000ha đất nông nghiệp, giảm thiểu phần lớn thiệt hại. Song song với đó là quá trình nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của XNM là rất cần thiết, để từ đó, người dân chủ động phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trong nước, các cá nhân trong việc đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, XNM; sản xuất, hỗ trợ các trang thiết bị trữ, lọc nước sinh hoạt đã đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán, XNM, đặc biệt trong việc bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai 2 quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL” và “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.