“Xanh mặt” vì giá rau xanh

Sau ba tuần tăng vọt, giá rau xanh ở Hà Nội vừa hạ nhiệt chút đỉnh lại lăm le tăng lên vì… thời tiết. Những cơn mưa lạnh kéo dài khiến giá rau xanh nhỉnh lên từng ngày ở các chợ Hà Nội như Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Thành Công và Ngọc Khánh… Rau muống có giá từ 12.000-15.000 đồng/mớ; mùng tơi có giá 10.000-12.000 đồng/mớ, rau ngót 10.000 đồng/mớ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,06% tác động mạnh nhất tới người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bởi nó “đánh” trực tiếp tới “ngân khố” của từng gia đình…

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

CPI bất ngờ tăng tốc…

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI cả nước tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng 8/2013. So với cùng kỳ 2012, CPI cả nước tăng 6,3%. Tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 9,38%, trong đó dịch vụ giáo dục 10,66%, do tháng 9 là tháng bắt đầu năm học mới. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,33% trong khi các nhóm còn lại mức tăng đều dưới 1%.

Theo đó, nhóm chiếm tỷ trọng nhiều nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,65% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,41%, thực phẩm tăng 0,87% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%. Trong khi đó, giá thực phẩm đang trên đà tăng ổn định (tăng 0,62% vào tháng 8 và tăng 0,87% vào tháng 9) và dự báo tiếp tục tăng vào các tháng tới theo quy luật khi có các ngày lễ lớn cuối năm.

Đây là lần thứ 3 trong năm 2013, CPI cả nước tăng trên 1%. Theo ý kiến của chuyên gia Tổng cục Thống kê, tháng này, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá do học phí thì CPI chung chỉ tăng 0,52% so tháng trước, tương đương với mức tăng 0,6% của tháng 8, nếu được loại trừ yếu tố giá dịch vụ y tế. Cũng theo vị chuyên gia này, nếu loại trừ yếu tố hành chính (học phí và dịch vụ y tế) trong CPI các tháng gần đây thì sau 9 tháng, CPI mới chỉ tăng 3,7% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,4% so với cùng tháng năm trước.

Nhìn vào diễn biến giá cả thị trường trong tháng, dễ nhận thấy nhất là tăng giá phần lớn đến từ các quyết định hành chính, các yếu tố phi thị trường. Bắt đầu năm học mới, học phí các cấp học ở một số địa phương tăng 10,66% là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 9,38% so với tháng trước, mà học phí các cấp học phổ thông ở các tỉnh, thành phố do UBND tỉnh, thành phố đó quyết định.

Giá rau xanh “chạy đua” với CPI

Giá thực phẩm là một chỉ số thường xuyên có biến động tăng trong CPI. Sau ba tuần tăng vọt, giá rau xanh ở Hà Nội vừa hạ nhiệt chút đỉnh lại lăm le tăng lên vì… thời tiết. Những cơn mưa lạnh kéo dài khiến giá rau xanh nhỉnh lên từng ngày ở các chợ Hà Nội như Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Thành Công và Ngọc Khánh… Rau muống có giá từ 12.000-15.000 đồng/mớ; mùng tơi có giá 10.000-12.000 đồng/mớ, rau ngót 10.000 đồng/mớ.

Bí xanh, bí đỏ, mướp đắng, cà tím, cà chua... có giá 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, rau xà lách, các loại rau thơm và ớt tươi... đội giá gấp hai lần. Giá thịt lợn tại các chợ cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg, giá thịt bò tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg…

Trong khi đó, tại các tỉnh Nam bộ, giá thực phẩm tươi sống 15 ngày đầu tháng 9 cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ tháng trước, trong đó giá thịt lợn hơi tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ do các thương lái thu mua lợn để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt bò thăn, thịt gà ta... tăng do thời tiết mát mẻ, người dân tiêu dùng những mặt hàng này nhiều hơn. Giá các loại rau củ quả tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa bão tại một số địa phương, một số loại rau vào cuối vụ khiến nguồn cung giảm.

Ngược với rau củ, giá thóc gạo lại đang có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thấp. Cụ thể, giá thóc giảm thêm 150-550 đồng/kg, còn giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giảm 550-600 đồng/kg.

Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,06% có thể không phải là mối bận tâm của nhà giàu, nhưng tác động mạnh nhất tới người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bởi nó “đánh” trực tiếp tới “ngân khố” của từng gia đình. Hơn ai hết, các bà nội trợ cảm nhận rõ ràng nhất, bởi trong bộn bề lo toan, có nỗi lo thường trực đó là cân gạo, mớ rau, con cá... đang “nhích” lên hằng ngày.

Mai Hoa

Đọc thêm