Xây dựng bộ chỉ số để đánh giá tác động kinh tế

(PLO) - Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lâu nay chúng ta mới chỉ nhận diện nền kinh tế chứ chưa đánh giá được tác động. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải dự báo, đánh giá được tác động, mặc dù đó là việc khó…

Hôm qua (14/3), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã chính thức công bố việc áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế trong Hội thảo “Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo”.

Nền kinh tế: Thành tựu kép

Năm 2015, trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới, kể cả phát triển và mới nổi, đều tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo; khối lượng luân chuyển đạt mức thấp, giá hàng hóa, đặc biệt là nguyên, nhiên liệu dầu thô và nông sản giảm mạnh, chính sách tiền tệ (lãi suất và tỷ giá) ở nhiều quốc gia và khu vực biến động mạnh, song Việt Nam vẫn là một trong số các nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (6,68%).

“Điểm nổi bật trong năm qua của nền kinh tế Việt Nam là thành tựu kép: Kiểm soát được lạm phát (0,63%) trong khi vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, qua đó đã tạo được tâm thế mới, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững sau này…”- TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC nhận định.

Theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, thành tựu cơ bản của kinh tế Việt Nam 2015 chính là cán cân thanh toán được cải thiện nhờ cán cân vốn, tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước một loạt thách thức. Đó là tăng trưởng tuy cao nhưng có gia tốc chậm lại, đặc biệt tăng trưởng xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI (xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng 70,9% trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ chiểm 29,1%); bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm; cân đối ngân sách khó khăn, nợ công gia tăng; hội nhập kinh tế sâu rộng nhưng hội nhập tài chính còn hạn chế.

Thị trường tài chính: Tiềm ẩn rủi ro thanh khoản

Phân tích sâu thị trường tài chính, Chủ tịch NFSC đặc biệt lưu ý khu vực ngân hàng. Mặc dù năm 2015 vừa qua tổng tài sản của khu vực này tăng, cơ cấu tài sản nợ bền vững hơn song tăng trưởng tài sản vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng (12,4% so với 19,3%); đặc biệt tăng trưởng huy động tập trung chủ yếu vào 4 tháng cuối năm, tăng trưởng huy động ngoại tệ đã tăng tới 14,3% (năm 2014 chỉ là 4,7%) trong bối cảnh lãi suất huy động bằng 0%.

“Điều này cho thấy người dân vẫn kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng. Chống đô la hóa mới thành công về mặt tỷ giá nhưng rõ ràng đô la hóa tăng lên...”- TS Phước lo ngại. Phó Chủ tịch NFSC cũng lưu ý tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản đã tăng 28,3% so với năm 2014, tập trung chủ yếu vào sửa chữa và mua nhà ở (chiếm 34,6%). “Thanh khoản không có vấn đề gì nhưng 58% nguồn vốn  dài hạn tập trung vào bất động sản. Chỉ có khoảng 10% huy động vốn là dài hạn mà 58% tập trung vào bất động sản thì đây là rủi ro trong tương lai…” - TS Phước lưu ý.

Liên quan đến thanh khoản, mặc dù thanh khoản được bảo đảm (tỷ lệ tín dụng/huy động là 85,7%, năm 2014 là 83,3%) song TS Phước cũng chỉ ra rủi ro thanh khoản sắp tới chính là vốn huy động ngắn hạn dành cho vay trung, dài hạn tăng khá cao so với năm 2014.

“Tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,4% tổng tín dụng, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay đầu tư dài hạn lên tới 31,8% (năm 2014 là 20,2%). Đầu năm 2016 đã có dấu hiệu tăng lãi suất huy động. Điều này cho thấy tiềm ẩn rủi ro thanh khoản là rất lớn!”- TS Phước nhận định. Thêm vào đó là xu hướng dịch chuyển ngoại tệ có kỳ hạn sang không kỳ hạn cũng là thách thức đối với thanh khoản của các ngân hàng.

Đã có công cụ đánh giá tác động

Đồng tình với nhận định về thành tựu của nền kinh tế trong năm 2015, song PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn “Ta chưa tốt thế đâu!”. Theo ông, cần phải có cảnh báo để không ảo tưởng về chính sách. “Bấy lâu nay ta mới chỉ nhận diện bối cảnh, còn cho đánh giá tác động thì chưa…Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải dự báo, đánh giá được tác động, mặc dù đây là việc khó…”-  Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.

Tại hội thảo, lần đầu tiên NFSC đã công bố việc áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế và là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam  áp dụng chỉ số dẫn báo để dự báo kinh tế vĩ mô (tăng trưởng và lạm phát). “Chỉ số dẫn báo kinh tế này được NFSC nghiên cứu xây dựng dựa trên mô hình của OECD, có sự vi chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Dù số liệu thống kê, điều kiện khảo sát, điều tra tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, NFSC hy vọng mô hình này tiếp tục được hoàn thiện và trở thành công cụ quan trọng cho công tác dự báo kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành Chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ…”- Đại diện NFSC phát biểu. 

Đọc thêm