Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Thống nhất nhận thức, thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra

(PLVN) - Các đại biểu nhấn mạnh vấn đề trên tại tọa đàm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức sáng 22/6.
TS.Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa cho các khách mời tại tọa đàm.
TS.Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa cho các khách mời tại tọa đàm.

Tọa đàm cung cấp nhiều thông tin hữu ích

Dự tọa đàm có ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.; PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Đào Văn Hội – Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam – nhấn mạnh, thực hiện chủ trương tuyên truyền về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chọn Báo Pháp luật Việt Nam là một trong 15 tờ báo chủ lực để tăng cường tuyên truyền về các nghị quyết, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện chủ trương đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền với 3 nhóm vấn đề, bao gồm tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhóm vấn đề thứ 3 là tuyên truyền về Văn hoá & pháp luật.

Đây là chương trình Tọa đàm đầu tiên được thực hiện trong loạt tuyên truyền đậm nét, có trọng tâm, trọng điểm của Báo Pháp luật Việt Nam, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ hy vọng tọa đàm sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc và những người quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vấn đề có tính quy luật

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh…”. Ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp cho rằng, trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.

Ông Nguyễn Kim Tinh cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế

Ông Nguyễn Kim Tinh cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế

Trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp được đề cao. Phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tiên của nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Tinh cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm.

Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi còn chưa thực chất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao… “Từ những hạn chế đó, Đảng ta xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cần tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng”, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay, Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề có tính quy luật. Đồng thời, điều kiện mới, tình hình mới cũng đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Các đại biểu tại tọa đàm.

Các đại biểu tại tọa đàm.

“Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bác Hồ có nói, trước hết là phải có Đảng cách mệnh. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư cũng có nói rằng công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Bên cạnh đó, những thành công của sự lãnh đạo của Đảng trong 36 năm Đổi mới gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn nói.

PGS.TS Bùi Đình Bôn cũng nhấn mạnh bối cảnh chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện.

“Trước những tác động của tình hình trong nước và thế giới cũng như khu vực, trong đó có cả tác động thuận và không thuận, sự chống phá các thế lực thù địch, tác động của diễn biến hòa bình, đặc biệt là sự suy thoái của không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên đặt ra yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, PGS.TS Bùi Đình Bôn nói.

PGS.TS Bùi Đình Bôn cũng nhấn mạnh bối cảnh chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện.

PGS.TS Bùi Đình Bôn cũng nhấn mạnh bối cảnh chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện.

PGS.TS Bùi Đình Bôn lưu ý, Nghị quyết lần này không chỉ đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống mà còn thêm một mảng nữa là gắn với đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái.

“Trước đây, chúng ta chỉ nói là ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống nhưng trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương không chỉ đề cập đến ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống”, PGS.TS Bùi Đình Bôn nhấn mạnh.

Xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định

Theo PGS.TS Lê Văn Cường, Đảng ta rất quan tâm đến cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt tư tưởng của Đại hội XIII của Đảng, để đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược thực hiện được những vấn đề mà Đại hội XIII đề ra, cần phải chú trọng một số vấn đề. Trước hết, phải thống nhất về nhận thức, đồng thời phải có quyết tâm chính trị để thực hiện được mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà Đại hội XIII đề ra.

“Tức là nhận thức phải thống nhất để tạo ra sự đồng bộ mà như Tổng Bí thư đã từng nói là “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng và dọc ngang thì thông suốt”. Có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp”, PGS.TS Lê Văn Cường nói.

Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện các quy chế, các quy định. “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng nhà nước pháp quyền mà không hoàn thiện các quy chế, quy định thì rất khó thực hiện. Việc xây dựng quy chế, quy trình cũng phải tạo ra sự đồng bộ giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước”, PGS.TS Lê Văn Cường cho hay.

Đặc biệt, PGS.TS Lê Văn Cường nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, những người đứng đầu phải là những người thật sự tiên phong, gương mẫu, thực hiện đồng bộ các quy định về nêu gương của Trung ương đã đề ra gần đây.

Một vấn đề quan trọng khác được PGS.TS Lê Văn Cường đề cập là yêu cầu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng

Một vấn đề quan trọng khác được PGS.TS Lê Văn Cường đề cập là yêu cầu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng

“Đừng bao giờ nghĩ kiểm tra đi cùng với kỷ luật, nghĩ thế là sai. Ở đây, kiểm tra là kiểm tra việc chấp hành các quy định. Ai chấp hành tốt thì ta kịp thời biểu dương, khuyến khích, khen thưởng; ai chấp hành không tốt thì ta kịp thời phòng ngừa, nhắc nhở. Đến khi có dấu hiệu vi phạm rồi thì ta kịp thời, kiên quyết xử lý theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ””, PGS.TS Lê Văn Cường nói.

Cuối cùng, theo PGS.TS Lê Văn Cường, phải phát huy dân chủ, tăng cường sự giám sát của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của nhân dân cũng như công khai, công khai cả những thành công và kể cả những hạn chế, những sai lầm.

“Đại hội XII cho phép Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí về các kỳ họp của Ủy ban. Việc này đã tạo ra một làn sóng công khai, đúng theo phương châm mà Đại hội XIII mở rộng là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Việc công khai này sẽ khiến những cán bộ, đảng viên muốn làm sai đôi lúc phải giật mình, thấy rằng hoạt động của mình đang được giám sát. Vừa rồi báo chí, các phương tiện truyền thông làm rất tốt việc này”, PGS.TS Lê Văn Cường nêu rõ.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh cho hay, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Ông Nguyễn Kim Tinh nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ mà Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp đang tập trung thực hiện.

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Hai là, hàng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên được chú trọng, đảm bảo chất lượng.

Bốn là, thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc xắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ chú trọng đầy đủ về tình hình chính trị hiện nay.

Năm là, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Sáu là, tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản trong Bộ Tư pháp. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, xuất bản trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đọc thêm