Xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Tư pháp

(PLVN) - Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và nhiều chuẩn mực, quy tắc ứng xử của các chức danh tư pháp trong thời gian tới.
Hội thảo về xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực

Ngày 14/5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Tư pháp. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Liên hợp quốc tài trợ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật đã được ban hành để quy định về việc thực thi công vụ. Đặc biệt là có nhiều quy định về kiểm soát quyền lực trong thi hành công vụ, các quy định đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức nói chung cũng như trong các lĩnh vực cụ thể. Các văn bản có thể kể đến như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước…”.

Bà Phan Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo bà Phan Thị Hồng Hà, với công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp, nhiều quy định đã được ban hành cụ thể về quy trình, thủ tục cũng như trách nhiệm của công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp cũng đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Quyết định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và nhiều chuẩn mực, quy tắc ứng xử của các chức danh tư pháp. Qua đó, Bộ Tư pháp quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ, vì lợi ích chung của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Trên cơ sở các quy định, quy tắc được ban hành, nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, việc chấp hành các quy tắc đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, kỷ luật, kỷ cương công vụ ngày càng được nghiêm túc hơn.

Khắc phục những tồn tại, khó khăn

Bà Phan Thị Hồng Hà nhìn nhận, mặc dù vấn đề về đạo đức công vụ luôn được đề cao, coi trọng, thực hiện xuyên suốt qua các thời kỳ nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Để hạn chế tình trạng này, đồng thời phát huy các kết quả đã đạt được, chuẩn bị cho việc xây dựng, ban hành các quy định về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức ngành Tư pháp; ngay sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến hoàn thiện hệ thống quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu quả thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ và phòng ngừa các vi phạm, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Ông Trần Văn Quảng, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật - Hội luật gia Việt Nam chia sẻ, Bộ, ngành Tư pháp luôn quan tâm, coi trọng việc thực hiện, nâng cao ý thức đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhâm xây dựng đội ngủ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ, vì lợi ích chung của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Các đại biểu tham gia buổi Hội thảo.

Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành Tư pháp gắn với việc thực hiện các Chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp thể hiện chi tiết trong Quyết định số 2659/QĐ-BTP quy định 5 chuẩn mực đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Đơn cử là: Đối với tổ quốc: Trung thành, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Với nhân dân: Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; Với công tác tư pháp: Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.

Trong các Quyết định, Thông tư khác của Bộ Tư pháp cũng quy định về 6 chuẩn mực đạo đức của chấp hành viên (QĐ 1577/QĐ-BTP); Thông tư quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý; Quy định Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại…

Ông Trần Văn Quảng đề xuất thêm một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện đạo đức công vụ. Đó là: Các bộ quy tắc đạo đức, ứng xử là các chuẩn mực ứng xử của các cân bộ, công chức của nhà nước gắn với những yêu cầu đề cao tính liêm chính, chỉ công vô tư, phục vụ cho người dân. Triển khai nghiêm túc việc học tập các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chú trọng phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ về các quy tắc đạo đức, chuẩn mực ứng xử với nhiều hình thức phù hợp, thường xuyên, gắn với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và từng loại hình công việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức về phẩm chất đạo đức và thực thi công vụ.

Đọc thêm