Nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Bộ, ngành Tư pháp

(PLVN) -Chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp chủ trì Phiên họp Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho ý kiến tư vấn về Danh mục đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2025 của Bộ Tư pháp.
Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Trình bày báo cáo về tình hình đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2025 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ cho biết, theo nội dung đề xuất của các đơn vị và thành viên Hội đồng khoa học Bộ, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã tiến hành thống kê, phân loại tổng số 27 đề xuất theo 4 lĩnh vực: Nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền con người và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghiên cứu phục vụ trực tiếp xây dựng thể chế và quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; Nghiên cứu phục vụ hội nhập quốc tế về tư pháp, pháp luật; Nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ trình bày báo cáo

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ trình bày báo cáo

Theo đó, trên cơ sở định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp, định hướng trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2022-2026 của Bộ Tư pháp, tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia, Viện đã xây dựng tiêu chí để đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên đối với các đề xuất nghiên cứu, cụ thể, dựa trên 4 tiêu chí:

Về tính cấp thiết và tính liên quan, nội dung đề xuất phải liên quan trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp đồng thời cần được nghiên cứu để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn giải quyết các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành ở thời điểm triển khai đề tài/đề án. Đồng thời, nhiệm vụ đề xuất phải bảo đảm tính mới, góp phần sung, phát triển quan điểm lý luận mới trong khoa học pháp lý hoặc đề xuất giải pháp mới để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp và chưa được Bộ Tư pháp hoặc các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trong ít nhất khoảng 5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ đề xuất phải góp phần xử lý được những hạn chế, vướng mắc, bất cập về nhận thức lý luận hoặc trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp nhất là trong thực tiễn xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay; sản phẩm, kết quả đầu ra phải cụ thể và có địa chỉ ứng dụng rõ ràng. Nhiệm vụ đề xuất phải có quy mô và tính chất phù hợp với quy mô, tính chất của đề tài/đề án nghiên cứu khoa học cấp bộ, tương ứng với lượng kinh phí có thể bố trí cho một đề tài/đề án theo thông lệ.

Các thành viên Hội đồng cho ý kiến về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2025

Các thành viên Hội đồng cho ý kiến về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2025

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cho ý kiến về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2025, theo đó, các thành viên cho rằng cần có các tiêu chí khuyến khích nội dung nghiên cứu, dự báo các nội dung cho Đại hội XIV; ưu tiên các nội dung liên quan đến các nhiệm vụ Bộ, ngành được Đảng và Nhà nước giao; giới hạn phạm vi đề tài…

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý. Bộ trưởng cơ bản thống nhất với các tiêu chí lựa chọn đề tài, trong đó lưu ý tới tính cần thiết, tính mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Bộ, ngành đặt ra, bảo đảm nhiệm vụ chính trị của Bộ; bảo đảm trong quá trình triển khai không có sự trùng lắp các nội dung nghiên cứu cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến cụ thể với từng đề tài. Bộ trưởng lưu ý phạm vi các đề tài cần phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, chú trọng nội dung định hướng phát triển ngành Tư pháp trong từng giai đoạn trong đó cần chú trọng đến các đề tài hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; khẳng định và làm rõ hơn nữa vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật của Nhà nước…

Đọc thêm