Văn hóa & Pháp luật

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới: Dạy cho thế hệ trẻ tình yêu Tổ quốc từ tuổi ấu thơ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người đắm say một đời với sự nghiệp nghiên cứu Bác Hồ đã có những chia sẻ về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên, với những góc nhìn sâu sắc về xây dựng văn hóa, đạo đức con người mới thời 4.0...
Thế hệ trẻ cần lớn lên trong cái nôi của văn hoá, đạo đức.
Thế hệ trẻ cần lớn lên trong cái nôi của văn hoá, đạo đức.

Một xã hội văn hóa cao là tâm nguyện của Bác Hồ

Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, Đại hội XIII của Đảng chẳng những nêu cao khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn” mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng những cơ chế, chính sách để khơi dậy khát vọng cống hiến của người dân, nhất là của thế hệ trẻ. Để từ đó người trẻ đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để biến khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân thành hiện thực thì phải nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng cống hiến của mỗi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đó là lớp người trẻ tuổi, là con đẻ, là sản phẩm của thời đại đổi mới và hội nhập quốc tế, là tiềm năng sáng tạo và nguồn trữ năng quan trọng của đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững như Đảng ta xác định.

“Đó cũng là khát vọng, hoài bão, tâm nguyện suốt đời của Bác Hồ, dân tộc Việt Nam phải trở thành một dân tộc thông thái, xã hội XHCN Việt Nam phải là một xã hội văn hoá cao, phải bước lên đài vinh quang, sánh vai được cùng các cường quốc năm châu”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Với thế hệ trẻ, thanh thiếu niên Việt Nam, việc nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng cống hiến có một tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách bản thân và sự phát triển của dân tộc.

Công nghiệp văn hoá có thể đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia - dân tộc, “làm mới” các nhu cầu và phương thức thoả mãn nhu cầu sản xuất tiêu dùng, cảm thụ các sản phẩm văn hoá của con người, của cộng đồng. Song các vấn đề xã hội, các hệ luỵ xã hội do công nghệ, công nghiệp, kể cả công nghiệp văn hoá gây ra là điều không thể không tính đến trong tư duy quản lý, trong quản trị xã hội, từ cơ chế đến chính sách. Công nghệ, kỹ thuật có sức mạnh giải phóng sức người, nhưng mặt trái của nó cũng có thể làm cho con người, trong đó lớp trẻ sẽ chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ công nghệ. Lớp trẻ có thực hiện được khát vọng cống hiến, khát vọng hạnh phúc được hay không khi họ không làm chủ công nghệ với định hướng nhân văn mà bị cuốn vào sức mạnh thuần tuý của công nghệ với những khuynh hướng… Người máy và trí tuệ thông minh có thể thay thế đời sống tinh thần, thế giới tinh thần đích thực của con người với những giá trị nhân văn và văn hoá, khẳng định những phẩm chất thực sự của tính người, của nhân tính được hay không?

Làm thế nào để thanh thiếu niên có được môi trường an toàn, phát triển trong tự do và sáng tạo để làm chủ cuộc sống của mình, trở thành chủ thể đích thực và làm chủ thực sự tất cả những gì con người và xã hội tạo ra, không rơi vào sự nô lệ hoá bởi đồ vật, bởi kỹ thuật - công nghệ do chính con người tạo ra rồi lại thống trị con người.

GS. TS Hoàng Chí Bảo chỉ ra, phát triển luôn luôn đi liền với phản phát triển. Kỹ thuật công nghệ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế thị trường và văn minh của xã hội. Song kỹ thuật - công nghệ và kinh tế thị trường rất dễ gây nên những tổn thương đạo đức và làm chệch hướng phát triển xã hội. Một khi đạo đức và văn hoá, giáo dục đạo đức và giáo dục văn hoá bị xem nhẹ, tách rời khỏi kinh tế, khỏi xã hội và môi trường - cả môi trường tự nhiên - không gian sống và môi trường nhân văn - điều kiện cho sự phát triển nhân tính, những bản năng, thú tính phát triển. Khát vọng cống hiến vốn tiềm tàng trong mỗi con người, nhất là lớp trẻ. Nó có thể phát triển tích cực và lành mạnh trong môi trường xã hội, đạo đức và nhân văn. Ngược lại nó sẽ bị suy giảm, thui chột nếu không gian tồn tại và phát triển của nó chịu sự áp đảo của kỹ thuật - công nghệ, sự thiếu vắng và yếu kém của các phẩm chất xã hội về đạo đức, nhân tính.

Bởi vậy, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, việc tổ chức các hoạt động giáo dục của toàn thể, trong đó có hoạt động trải nghiệm, sự phát triển tự ý thức, tự giáo dục ở từng người trở nên vô cùng cần thiết và quan trọng đối với lớp trẻ đang lớn lên, đang trưởng thành.

Khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống đạo đức và văn hóa Việt Nam

Muốn cho thanh thiếu niên nuôi dưỡng và phát huy được khát vọng cống hiến, góp sức vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước cần phải tìm kiếm và áp dụng các giải pháp phù hợp với bản thân họ và tương thích với sự đòi hỏi, mong đợi của xã hội. GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, trước hết cần giáo dục lòng yêu nước, ý thức và niềm tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, truyền thống đạo đức và văn hoá Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đây là giải pháp đầu tiên, cơ bản và lâu dài nhằm làm cho thanh thiếu niên hiểu biết sâu sắc cội nguồn, biết quý trọng truyền thống, hiểu quá khứ lịch sử để từ đó hình thành tình cảm yêu nước, thương người! Để biết ơn công lao của các bậc tiền bối, tự giác ngộ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân! Và từ đó có thái độ và hành động đúng đắn trong cuộc sống, chuẩn bị vào đời lập thân, lập nghiệp sao cho xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất của lịch sử Việt Nam, giá trị Việt Nam và bản lĩnh Việt Nam.

Lòng yêu nước là điều cao cả thiêng liêng, là giá trị nổi bật, kết tinh trí tuệ, đạo đức, lẽ sống, khí phách, lương tâm, danh dự của con người và dân tộc mà việc giáo dục phải đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng, phát huy cho lớp trẻ. Đây là khởi nguồn để hình thành nhân cách làm người. Cần phải dạy cho thế hệ trẻ, từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh niên tình yêu Tổ quốc, bắt đầu từ quê hương mình đến đất nước, dân tộc và con người, hội tụ trong hai tiếng Việt Nam.

Chúng ta có kết cấu nhà - làng - nước trong tư tưởng, tình cảm, trong tình yêu và niềm tin ở mỗi người đã rất bền chặt trong văn hoá Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Do đó, giáo dục lòng yêu nước phải bắt đầu từ tuổi còn nhỏ, qua những trang sử, những truyền thuyết và huyền thoại, qua những sự kiện và nhân vật, những biến cố trong thời gian và không gian lịch sử đậm chất sử thi, anh hùng và bi tráng. Phải làm cho mỗi đứa trẻ biết xúc động, biết quan tâm, biết bày tỏ lòng biết ơn trước những gì làm nên quê hương, lịch sử, tình nghĩa con người. Không thờ ơ, dửng dưng, vô cảm, đó là điều đáng lo sợ nhất về sự lệch lạc nhân cách, là sự băng hoại của đạo đức. Tệ hại hơn, thái độ vô ơn là điều sỉ nhục đối với lương tâm, danh dự, phẩm giá con người. Giáo dục và thực hành “sự tử tế”, bắt đầu từ những năm tháng đầu đời là sự chuẩn bị căn bản nhất của con người. Đó là điều thiện lớn nhất, có sức mạnh đề kháng cái ác, cái xấu, cái phi nhân tính. Muốn có ý thức và khát vọng cống hiến phải biết đầu tư tình cảm đạo đức, từ thái độ trách nhiệm và nỗ lực vươn tới sáng tạo và có tài năng. Phải thực hiện hoạt động giáo dục này cả trong và ngoài nhà trường, tiếp nối liên tục bằng giáo dục của xã hội, trong môi trường xã hội lành mạnh, môi trường đạo đức và văn hoá.

Cùng với đó, theo GS Hoàng Chí Bảo, bồi dưỡng lý tưởng, giác ngộ lý tưởng cách mạng từ lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, từ đó giáo dục lẽ sống, lựa chọn giá trị sống. Đó vừa là chính trị, vừa là khoa học và đạo đức. Tổng hợp các tác động đó, tạo thành văn hoá, từng bước hình thành động cơ, mục đích sống, rèn luyện ý chí và thử thách bằng hành động, lòng trung thành, dũng cảm, hy sinh cũng như nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách từ sức mạnh của lý tưởng và thôi thúc khát vọng cống hiến. Có chính sách thúc đẩy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ thực hiện khát vọng cống hiến.

Và cuối cùng, GS Hoàng Chi Bảo nhấn mạnh, đề cao và thực hiện trách nhiệm nêu gương, thực hiện lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị và ý nghĩa hơn hàng trăm bản diễn văn, tuyên truyền”. Đó là những tấm gương văn hoá, nhân cách. Văn hóa có sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy tuổi trẻ nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cống hiến”...

Làm theo Bác là nhu cầu văn hoá ở mỗi người

“Cần lan toả rộng rãi và hiệu ứng xã hội “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mạnh mẽ, bền bỉ trong thanh niên. Nỗ lực của Đảng là đặt vấn đề học tập và làm theo Bác thành một nhu cầu văn hoá ở mỗi người, mỗi tổ chức, hướng vào việc tự rèn luyện, tự phát triển, tự giác tự nguyện.

GS Hoàng Chi Bảo

GS Hoàng Chi Bảo

Cần tận dụng triệt để những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng, với “Năm điều khuyên” (1946) và “Năm điều dạy” (1961) và ý nghĩa của việc Bác bổ sung 5 điều này vào dịp Bác viết và sửa di chúc (1965 - 1969) làm cho tất cả các nhà trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học với đội ngũ giáo viên thấm nhuần sâu sắc để thực hành tốt nhất những chỉ dẫn của Bác.

Với thanh niên, đó là những danh ngôn mà Bác dành cho tuổi trẻ, mỗi cán bộ đoàn viên, thanh niên cần phải thấu hiểu, coi đó là cẩm nang, là những chỉ dẫn hành động, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống, để thực hiện khát vọng cống hiến. Đặc biệt, để hướng vào khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, cần giáo dục, tuyên truyền, tuổi trẻ cả nước để noi theo, làm theo ý chí, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh, hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người, bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, chỉ có một điều ham: ham học - ham làm - ham tiến bộ, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân”.

GS.TS Hoàng Chí Bảo