Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh và đoàn kết

(PLVN) - Chiều 11/10, chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành để cùng nắm bắt vận hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân. (Ảnh: VGP).

Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước

“Tôi cảm nhận được sự chân thành, nhiệt huyết và trách nhiệm rất cao của các đại biểu tại cuộc gặp hôm nay, truyền cảm hứng, tạo động lực để sống và làm việc vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no.

Ngày 13 tháng 10 hằng năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thủ tướng Chính phủ

Phạm Minh Chính

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, lời tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với nhiều điểm mới trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho doanh nhân Việt Nam.

Khẳng định đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực DN đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các DN, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, “đền ơn đáp nghĩa”, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giải quyết dứt điểm các vướng mắc gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Thủ tướng nêu một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN và doanh nhân không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Chú trọng công tác phát triển Đảng tại các DN; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu.

Các hiệp hội DN phát huy thật hiệu quả vai trò hỗ trợ DN và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của DN; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng DN nhằm xây dựng một cộng đồng DN đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, DN; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh với phương châm “Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển”.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như thị trường vốn, bất động sản, lao động đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo. “Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các DN; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của DN”, Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN sớm phục hồi và hỗ trợ DN đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng DN để xây dựng và phát triển cộng đồng DN, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.

Đọc thêm