Xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài

(PLVN) -Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phải đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chính sách pháp luật hiện có của Nhà nước liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người tài tham gia vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký Quyết định số 470/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài (Đề án). Đề án này nhằm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị  Trung ương 7 Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Mục đích của Đề án là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách nhân tài; tạo cở sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Việc tổ chức xây dựng Đề án bảo đảm tính khách quan, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian.

Kế hoạch nêu rõ, các giải pháp, đề xuất từ Đề án phải có tính khả thi, có sự phân công nhiệm vụ chủ trì, nhiệm vụ phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phải đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chính sách pháp luật hiện có của Nhà nước liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người tài tham gia vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đề án cũng liệt kê nhiều nhiệm vụ cụ thể, theo đó, từ tháng 6-7/2019, Tổ biên tập phải tổng hợp ý kiến thành viên và báo cáo của bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Đề án, Tờ trình và chuẩn bị tài liệu tổ chức hội thảo. Trong tháng 10/2019, Bộ Nội vụ sẽ gửi Tờ trình kèm theo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt…

Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức khảo sát tại một số địa phương; tổ chức một số cuộc hội thảo xin ý kiến thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương, địa phương.

Từ nay tới tháng 9/2019, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành khảo sát ở một số địa phương như Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng; đồng thời tổ chức các hội thảo vùng miền để xin ý kiến các chuyên gia, lãnh đạo địa phương.

Liên quan đến nội dung này, chiều qua (10/6), thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước xác định rõ ràng về khái niệm nhân tài.

Do đó, ĐB đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Theo ĐB Tô Văn Tám, việc phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới. Ngày xưa cha ông ta đã làm và gọi họ là những nguyên khí của quốc gia. Ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng chính quyền thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. 

Người cho rằng, phát hiện nhân tài không chỉ qua đào tạo ở trường hay tuyển chọn qua thi cử bằng cấp mà còn phải tìm trong nhân dân. Từ đó, Người quan niệm rất giản dị về nhân tài rằng nhân tài chính là người có năng lực, nhân tài ở trong quần chúng, nhân tài cần phải được thừa nhận trên thực tế, không phải ở dạng tiềm năng, họ phải thực tế góp phần vào sự phát triển của xã hội...

Đọc thêm