PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, trong lịch sử dân tộc, trí thức luôn rất được coi trọng. Trong tác phẩm “Bình Ngô Đại cáo”, Nguyễn Trãi khẳng định: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Mỗi bước phát triển của dân tộc, đội ngũ trí thức mà ngày xưa gọi là “sỹ phu” đều có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.
Từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng đến khi giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, Đảng và Bác Hồ rất coi trọng xây dựng đội ngũ trí thức. Trong những năm 1945, 1946, Bác Hồ đã viết nhiều bài trên Báo Cứu quốc để xác định vai trò của đội ngũ trí thức, như bài “Nhân tài và kiến quốc”, hay bài “Tìm người tài đức”. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, trí thức cũng đã rất được coi trọng và có vai trò rất xứng đáng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Thậm chí, có những trí thức ở nước ngoài đã trở về nước cùng với Bác Hồ tham gia công việc kháng chiến, như Giáo sư Trần Đại Nghĩa. “Có thể khẳng định, từ khi Đảng lãnh đạo, Nhà nước ra đời, trí thức đã hết sức được coi trọng và các bậc trí thức tài ba của dân tộc đã đóng góp xứng đáng vào thành quả của kháng chiến, kiến quốc”, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc. |
Ngày 6/8/20008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các giải pháp để xây dựng đội ngũ trí thức được nêu trong Nghị quyết cho đến nay?
- PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Đó là một nghị quyết rất quan trọng mà năm nay chúng ta sẽ tổng kết chặng đường 15 năm thực hiện. Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh dấu lần đầu tiên Đảng ta có một Nghị quyết chuyên đề riêng để bàn tổng thể về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức. Nghị quyết đã trình bày khá đầy đủ, toàn diện những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong thời kỳ phát triển mới về vai trò của trí thức, động viên cao độ đóng góp của các nhà khoa học. Nghị quyết cũng đã đánh giá lại quá trình Đảng, Nhà nước ta nêu cao vai trò của đội ngũ trí thức; những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội...
Cũng tại Nghị quyết này, Trung ương đã đề ra giải pháp rất cơ bản xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế như hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức…
Để có được đội ngũ trí thức hùng hậu và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của khoa học thì chúng ta phải có lực lượng các nhà khoa học giỏi, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Đồng thời, cũng phải tiếp nhận kịp thời những thành quả của sự phát triển của đất nước cũng như thành quả khoa học công nghệ từ nước ngoài trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Gần đây, chúng ta thấy tác động của cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 rất mạnh mẽ, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải nắm bắt những vấn đề này để có được định hướng kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức. Cùng với đó, cũng cần phải xác định những ngành kinh tế, khoa học trọng điểm cần tập trung phát hiện để thúc đẩy kinh tế của nước ta phát triển nhanh hơn. Những vấn đề này đều đã được quán triệt trên quan điểm cơ bản từ Hội nghị Trung ương 7.
Ngoài quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, Trung ương cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính đội ngũ trí thức để làm chuyển biến tích cực, rõ ràng nhất và nhanh nhất nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Như vậy, nhìn lại thời gian thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã cho thấy tính đúng đắn và vai trò hết sức quan trọng của Nghị quyết. Qua tổng kết lần này, Trung ương tới đây chắc chắn sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới.
Ảnh minh họa |
Ông có góp ý gì về những quyết sách mới cần có trong thời gian tới để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới?
- PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng nhất vẫn là phải có được đội ngũ các nhà khoa học giỏi, nhất là khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ thì mới tạo ra sức bật, đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo đúng các mục tiêu của Đại hội XIII, đó là đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các mục tiêu chỉ nêu ngắn gọn như vậy nhưng để phấn đấu đạt được phải có động lực mạnh từ những người trí thức.
Kinh nghiệm của các nước và cả nước ta cũng vậy, có đội ngũ trí thức mạnh thì đất nước sẽ phát triển, trước hết là đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực khoa học công nghệ để có thể nắm bắt, “đi tắt, đón đầu” những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới. Vì vậy, phải có kế hoạch nhanh và kịp thời để đào tạo đội ngũ cán bộ về khoa học công nghệ, từ đó bắt nhịp được sự phát triển của thế giới.
Cùng với đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lý luận, cán bộ khoa học xã hội giỏi vì đây là lực lượng góp phần vào hoạch định đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Một điểm nữa, tôi cho rằng cần chú trọng khoa học ứng dụng, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Theo quan sát của tôi, hiện nay, khoa học cơ bản của ta đã có tiến triển nhưng chưa thật mạnh.
Cuối cùng, vẫn phải nhấn mạnh về trọng dụng nhân tài. Chữ “trọng dụng” có ý nghĩa rất sâu xa, trước hết phải coi trọng đội ngũ trí thức, phải đánh giá đầy đủ vai trò và đóng góp của lực lượng đó cho đất nước và phải có sự động viên cao độ. Ở đây, cần không chỉ đề cao, động viên về chính trị, tinh thần mà còn phải có sự đầu tư xứng đáng về vật chất, về ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Nhà nước phải có đãi ngộ vật chất xứng đáng cho đội ngũ trí thức. Ngoài ra, sự đánh giá của Đảng, Nhà nước và cả xã hội cũng cần phải xứng đáng với vai trò và sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Quan hệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề cần chú ý để tạo điều kiện cho trí thức Việt Nam tiếp xúc với bên ngoài để học hỏi, trao đổi phát triển những thành tựu của khoa học. Đồng thời, cần động viên trí thức từ nước ngoài tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Theo tôi, sắp tới, Trung ương sẽ có quyết sách về vấn đề này để từ đó chúng ta mới hoạch định được chính sách, pháp luật cho đúng để phát triển đội ngũ trí thức. Nếu các chính sách trên đề cập đầy đủ, toàn diện thì vai trò của đội ngũ trí thức sẽ được phát huy cao độ, đóng góp vào mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Đề xuất giao một số địa phương thí điểm cơ chế, chính sách
Theo báo cáo của TP Hà Nội, tính đến đầu năm 2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP gồm 7.286 công chức, trong đó có 84 tiến sĩ; 121.291 viên chức, trong đó có 317 tiến sĩ. Đội ngũ trí thức Thủ đô thuộc Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Đảng bộ Đại học Quốc gia là nguồn nhân lực có chất lượng cao, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước... Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP có 35 hội thành viên, bao gồm 31 hội chuyên ngành, 4 hội cơ sở và có 18 đơn vị trực thuộc, tập hợp trên 50.000 hội viên là những cán bộ khoa học đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và Trung ương.
Tại cuộc khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trên địa bàn TP Hà Nội của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW hồi tháng 3 vừa qua, TP Hà Nội đề xuất trong nghị quyết mới giao cho một số địa phương thí điểm triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, thí điểm đầu tư xây dựng một số trung tâm khoa học công nghệ, các trường đại học theo tiêu chuẩn khu vực cũng như quốc tế. Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ lực lượng trí thức trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.