“Xây dựng mô hình một cơ quan cạnh tranh là đòi hỏi tất yếu”

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổ chức mô hình của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tương đương với Tổng cục. Một số ý kiến đặt vấn đề, việc tổ chức cơ quan này theo mô hình trên liệu có cồng kềnh, lãng phí? PLVN đã trao đổi với ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - về vấn đề này.
Cục trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân.
Cục trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Ông Tân cho biết: “Tính đến năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) đã tiếp nhận gần 400 hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh; tiến hành điều tra trên 210 vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh; tiến hành xử phạt gần 200 vụ việc cạnh tranh. Riêng vụ việc hạn chế cạnh tranh, trên cơ sở kết quả điều tra của Cục, Hội đồng cạnh tranh đã xử lý 7 vụ việc với gần 70 doanh nghiệp bị điều tra.

Tuy nhiên, thực tiễn 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh 2004 với mô hình 2 cơ quan cạnh tranh độc lập đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và không đáp ứng được về nhu cầu thực tiễn về mô hình, tổ chức”. 

Vì sao ông lại cho rằng mô hình 2 cơ quan này có hạn chế, bất cập?

- Mô hình 2 cơ quan cạnh tranh cùng với các quy  định chưa hợp lý trong tố tụng cạnh tranh dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, nguồn lực bị phân tán khiến việc giải quyết vụ việc chưa được tập trung, kết quả giải quyết luôn đi sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường…

Do đó, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Cạnh tranh năm 2018, Bộ Công Thương đã nghiên cứu nhất thể hóa mô hình một cơ quan cạnh tranh nhằm đảm bảo tính kết nối và thông suốt trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi phản cạnh tranh, khắc phục được những hạn chế của mô hình 2 cơ quan cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, nhu cầu hoàn thiện và xây dựng một cơ quan cạnh tranh thống nhất, có vị thế đủ mạnh là đòi hỏi tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Nếu nhập 2 cơ quan này thành một, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội “được xem xét lại” giống như vụ Uber sáp nhập Grab đã từng xảy ra trước đây? Có cách nào để quyền lợi của doanh nghiệp được đảm bảo khi chỉ bằng một phán quyết, doanh nghiệp đã phải chấp hành kết luận của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia?

- Luật Cạnh tranh 2018 đã kế thừa một phần các quy định về tố tụng cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh 2004, tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh trước đây nhằm bảo đảm quá trình tố tụng cạnh tranh được thực thi hiệu quả, đặc biệt là sự độc lập giữa các khâu trong quá trình tố tụng cạnh tranh mà quan trọng nhất là điều tra và khâu xử lý vụ việc cạnh tranh. 

Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã định danh và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tiến hành tố tụng cạnh tranh với nhiều cấp phân chia theo từng khâu khác nhau. Theo đó, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thẩm quyền tiến hành điều tra các hành vi vi phạm quy định kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh; Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh đóng vai trò như một cơ quan “xét xử” sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. 

Việc xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải được tiến hành thông qua phiên điều trần. Vì vậy, mọi kết luận của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh đều được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh xem xét quyết định và mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đều có quyền tham gia vào quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định việc doanh nghiệp có quyền trong việc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính. Như vậy, các quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 đã đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp một cách công bằng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2018, sau 8 tháng điều tra về vụ việc tập trung kinh tế của Uber và Grab, VCCA đã kết luận “có vi phạm Luật Cạnh tranh”. Tuy nhiên, khi chuyển kết luận sang Hội đồng Cạnh tranh, sau phiên điều trần, Hội đồng cạnh tranh đã bác bỏ kết luận này, phán quyết vụ việc này không vi phạm pháp luật và doanh nghiệp không bị phạt vì vi phạm pháp luật.

Đọc thêm