Xây dựng pháp luật: Triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt

(PLVN) -  Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đáp ứng các yêu cầu về công tác xây dựng pháp luật: phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ, vì lợi ích chung của quốc gia…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp

Yêu cầu trên được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023. Tại Nghị quyết, Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật, đề xuất nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách, nhạy cảm để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…

Trong thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, tháo gỡ các “nút thắt, điểm nghẽn”, tăng cường thực hiện nhiệm vụ lập pháp của Chính phủ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều đột phá về thể chế để sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung các quy định về các vấn đề mới.

Với thời gian chuẩn bị gấp rút, khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao về thủ tục và chất lượng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện các hồ sơ văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, gửi văn bản góp ý kịp thời, có trách nhiệm, trao đổi kỹ lưỡng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản khi trình cấp có thẩm quyền. Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn để lắng nghe, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì thể chế hóa; các vấn đề mới, nếu cần thí điểm thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản, trình cấp có thẩm quyền quyết định, cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông chính sách, làm rõ nội dung, lý do các đề xuất chính sách đến người dân, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.

Bảo đảm bí mật cá nhân khi sử dụng Căn cước công dân

Liên quan đến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) (CCCD), Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Trong đó, về cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi (Điều 20 dự thảo Luật), tích hợp thông tin (Điều 23 dự thảo Luật), quy định chuyển tiếp (Điều 46 dự thảo Luật)... cần tiếp tục đánh giá tác động, rà soát, nghiên cứu kỹ, bảo đảm khả thi, tránh gây xung đột với pháp luật liên quan. Quy định trong luật những nội dung có tính ổn định, thống nhất cao; những nội dung mới, còn biến động thì giao Chính phủ quy định bảo đảm linh hoạt trong điều hành và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế liên quan để có quy định phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam và sự phát triển của công nghệ trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi sử dụng căn cước trong các giao dịch; bảo đảm bí mật đời tư, bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án luật. Các quy định của luật phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng…

Về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tham gia ý kiến đối với hồ sơ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông (dự thảo Nghị quyết), gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 1/4/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan, địa phương, các ý kiến phát biểu, thảo luận tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 3/2023 để hoàn thiện hồ sơ về dự thảo Nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, thuyết phục, rõ ràng, mạch lạc.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, phối hợp để hoàn thiện khung pháp lý phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các bộ, cơ quan cần triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đáp ứng các yêu cầu về công tác xây dựng pháp luật: phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ, vì lợi ích chung của quốc gia, công khai, minh bạch, hội nhập, bền vững kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp chế, bố trí kinh phí, nguồn lực để hỗ trợ công tác này.

Đọc thêm