Xây dựng quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế ban hành Quyết định 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025, trong đó, yêu cầu xây dựng quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về thực trạng dinh dưỡng tại Việt Nam, theo Bộ Y tế , tỷ lệ thừa cân/béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn. Thừa cân/béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn) và rất cao ở mức 19% với trẻ em lứa tuổi học đường, so với tỷ lệ tương ứng năm 2010 là 5,6% và 8,5%. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành.

Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân/béo phì là 15,6% theo điều tra STEPS (Điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm) năm 2015 và tiếp tục gia tăng. Cũng theo điều tra này, tỷ lệ người trưởng thành có tăng huyết áp là 18,9%, tỷ lệ người trưởng thành mắc đái tháo đường là 4,1%, tỷ lệ người trưởng thành có rối loạn mỡ máu là 30,2%.

Hoàn thiện cơ chế chính sách về dinh dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Y tế đưa ra trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025. Ngoài, tăng cường công tác thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định có liên quan; Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc xây dựng các chính sách liên quan đến dinh dưỡng nhằm đáp ứng các vấn đề dinh dưỡng mới nổi và cấp thiết.

Đáng chú ý, một trong các định hướng lớn về xây dựng chính sách về dinh dưỡng cho giai đoạn tới, Bộ Y tế yêu cầu: Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật bữa ăn học đường, các quy định về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực trong trường học, quy định về hoạt động của căng tin trong trường học để bảo đảm cung cấp thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe của học sinh, sinh viên.

Đồng thời xây dựng hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp với các nhóm đối tượng để phòng chống thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm cho người dân. Đặc biệt, Bộ Y tế cam kết sẽ xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Theo tìm hiểu, đồ uống có đường còn được gọi là nước giải khát, đó là bất kỳ loại đồ uống nào có thêm đường hoặc các chất làm ngọt khác như siro fructozo cao, đường sucrose, nước ép trái cây,... bên cạnh đó còn có soda, cola, thuốc bổ, nước chanh, đồ uống thể thao,... cũng được coi là đồ uống có đường.

Theo các chuyên gia về dĩnh dưỡng, đồ uống có đường là một trong những nguồn bổ sung đường hàng đầu trong chế độ ăn uống của chúng ta. Tuy nhiên, thường xuyên uống đồ uống có đường có liên quan đến thừa cân béo phì, bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch chuyển hóa, bệnh suy thận, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, sâu răng, bệnh gút, và viêm khớp dạng thấp.

Trong khi đó,theo một số luật sư, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng. Góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Những hàng hóa nào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Căn cứ tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi 2014) và khoản 2 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, quy định các đối tượng chịu thuế tiêu đặc biệt thì hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền (sử dụng cho mục đích dân dụng)…

Đọc thêm