Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo

(PLVN) - Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình.
Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu, đẹp, văn minh và hiện đại

Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo

Trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu, đẹp, văn minh và hiện đại, một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước (Ảnh: tư liệu)

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, trọng tâm là tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11 - 2022.

Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, Thanh Hóa tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới Đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt, ưu tiên các nguồn lực để phát triển 3 trụ cột tăng trưởng gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ du lịch; 4 vùng kinh tế động lực là Khu kinh tế Nghi Sơn; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; Lam Sơn, Sao Vàng và Bỉm Sơn, Thạch Thành; 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế nhằm tạo không gian dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.

Xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước. Thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như điện tử, viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với vị trí chiến lược có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt 1A, Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất để trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước, trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước. Khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với Khu kinh tế Lam Sơn - Sao Vàng. Khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.

Đồng thời, xây dựng Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch 4 mùa trọng điểm của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, rừng, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Cần Trung ương quan tâm, tạo cơ chế đặc thù

Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/11, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có bài phát biểu, nội dung nêu rõ: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các tỉnh, thành phố trong vùng, tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Trung ương và các tỉnh quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Đó là, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển như khuyến khích đầu tư khai thác tiềm năng đất đai, biển đảo, khoáng sản nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt, phân bổ tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, khu công nghiệp đô thị, chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa để các địa phương đẩy nhanh quá trình phát triển, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị hôm 16/11 (Ảnh: TTXVN)

Để tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cho phát triển, Thanh Hóa đề nghị Trung ương quan tâm sớm ban hành quy hoạch vùng; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, Thanh Hóa đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn lực, mở rộng đường Hồ Chí Minh phục vụ phát triển khu vực phía Tây, các khu vực biên giới của các địa phương trong vùng. Quan tâm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nhằm sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng làm cửa ngõ ra vào cho hàng xuất nhập khẩu từ Myanmar, Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 5 địa phương được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó Bộ Chính trị, Quốc hội đã xác định các mục tiêu, định hướng phát triển cụ thể nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của từng tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, có những nhiệm vụ nếu chỉ từng địa phương thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao, cần có sự hợp tác, liên kết trong vùng và từng tiểu vùng. Đề nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế tổ chức điều phối liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng.

Đọc thêm