Cú sốc của nữ giám đốc
Năm 2017, giới chức Canada thông báo 1 quận ở thành phố Toronto sẽ được bàn giao cho Công ty Sidewalk Labs – một công ty cùng trực thuộc Công ty mẹ Alphabet của Google - với hy vọng xây dựng nơi đây thành hình mẫu cho thành phố thông minh mới dựa trên nền tảng công nghệ tại Canada.
Dự án xây dựng thành phố thông minh Quayside này thậm chí được kỳ vọng sẽ trở thành một nguyên mẫu để có thể nghiên cứu và nhân rộng trên toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề đô thị. “Bằng cách kết hợp thiết kế đô thị lấy con người làm trung tâm với công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể đạt được các tiêu chuẩn mới về tính bền vững, khả năng chi trả, tính di động và cơ hội kinh tế”, tuyên bố về tầm nhìn của dự án khẳng định.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi đó cũng khẳng định, thông qua quan hệ đối tác với Sidewalk Labs, khu dân cư bên bờ sông này có thể biến thành một trung tâm đổi mới mạnh mẽ. Trong một video Google TechTalk từ năm 2016, một lãnh đạo công ty đã đưa ra ý tưởng mô phỏng thành phố như một nền tảng kỹ thuật số và sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề mà các thành phố lớn gặp phải. Tháng 8/2018, Sidewalk Labs đã công bố một số ý tưởng của mình.
Theo đó, họ dự định sử dụng gỗ ép cao - thay vì thép và bê tông - để xây dựng nhà ở bền vững, xây dựng các loại đường mới cho ô tô không người lái và sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu nhằm thông báo cho người dùng về lượng năng lượng sử dụng, giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm, giảm lưu lượng giao thông và giám sát tiếng ồn.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc thu thập và bảo vệ dữ liệu ở đây.
Những quan ngại này hoàn toàn có cơ sở khi sau 1 năm tham gia dự án, Tiến sỹ Ann Cavoukian - Giám đốc về bảo mật của dự án – đã từ chức sau khi phát hiện ra rằng không phải tất cả các dữ liệu thu thập được từ người dân sẽ được hủy nhận dạng - quá trình nhằm ngăn chặn danh tính cá nhân của ai đó bị tiết lộ - ngay tại nguồn.
Trong thư từ chức, bà Cavoukian nhấn mạnh những lo ngại về quyền riêng tư đối với các thành phố thông minh là lý do khiến bà ra đi. “Tôi đã tưởng tượng rằng chúng tôi sẽ tạo ra một thành phố thông minh về quyền riêng tư chứ không phải là một thành phố giám sát thông minh”, bà Cavoukian nói trong thư từ chức của mình.
Nói cụ thể hơn, bà Cavoukian cho biết, ban đầu bà và các cộng sự được thông báo rằng dữ liệu thu thập được sẽ bị xóa và không thể xác định được. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên thứ ba có thể truy cập thông tin nhận dạng được thu thập trong quận. “Khi tôi nghe thấy điều đó, tôi đã nói rằng tôi xin lỗi, tôi không thể ủng hộ cho việc này. Tôi phải từ chức”, bà nói khi thông báo về việc ra đi của mình và nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo quyền riêng tư cho người dân ở mọi khía cạnh hoạt động.
Trên thực tế, bà Cavoukian không phải là người đầu tiên từ chức vi những lo lắng về bảo vệ quyền riêng tư. Tháng 10/2018, chuyên gia công nghệ và là người sáng lập công ty TechGirls Canada Saadia Muzaffar cũng đã rời khỏi ban cố vấn chiến lược kỹ thuật số của công ty với lý do TechGirls Canada không giải quyết thỏa đáng các vấn đề riêng tư mà cô và những người khác đã nêu ra.
Cái giá phải trả?
Theo bà Emilie Scott, tại nhiều khu vực đô thị của Canada, các thành phố Toronto, Mississauga và Kitchener đang phát triển mạnh mẽ để trở nên “thông minh hơn”. Sự phát triển này được đánh giá cao vì tiện ích mà chúng mang lại nhưng người dân có thể vẫn chưa hiểu hết về tác động của những sự phát triển này tới quyền riêng tư của họ. Khái niệm về thành phố thông minh không ngừng được phát triển khi các dự án mới được định hình để phù hợp với nhu cầu riêng của các trung tâm đô thị khác nhau.
Nhiều người đã sốc khi phát hiện ra rằng những thông tin cá nhân được thu thập để xây dựng thành phố thông minh có thể bị tiết lộ (Hình minh hoạ) |
Tuy nhiên, điểm cốt lõi là các công nghệ thành phố thông minh được tạo thành từ các cảm biến được gắn liền với các vật thể trong thế giới thực như đường, xe hơi, đồng hồ điện, thiết bị gia dụng và cả phẫu thuật cấy ghép y tế ở con người. Các cảm biến này kết nối các vật thể đó với các mạng kỹ thuật số, internet vạn vật, tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ có thể kết hợp, phân tích về mặt công nghệ để phát hiện ra các hình mẫu, các mối liên hệ…
Văn phòng Ủy viên về quyền riêng tư Canada đã thừa nhận rằng với những công nghệ mới này, các thông báo về thu thập dữ liệu và cơ hội để một người từ chối dịch vụ không giống như trong thế giới kỹ thuật số trực tuyến.
Ví dụ, khi tham gia với các nền tảng trực tuyến, ít nhất người sử dụng sẽ có nhận thức ít nhiều về việc họ đã vượt qua ngưỡng để truy cập vào nền tảng đó. Bà Lilian Edwards - một học giả về luật internet tại Anh - chỉ ra rằng: “Người tiêu dùng ít nhất về mặt lý thuyết có thể có cơ hội để đọc chính sách quyền riêng tư của bộ điều chỉnh nhiệt trước khi ký hợp đồng nhưng họ sẽ không có cơ hội như vậy khi dữ liệu của họ được thu thập bằng những con đường thông minh hoặc chiếc xe điện thông minh mà họ đi làm hay khi họ đi qua những thùng rác thông minh”.
Nói về quyền lựa chọn đánh đổi thông tin cá nhân nào cho các dịch vụ trong thành phố thông minh, bà Scott cho rằng cho rằng, về mặt lý thuyết, các thành phố thông minh có thể không cần tính toán đến việc này vì các dịch vụ của chính quyền thành phố phải tuân theo luật riêng tư của khu vực công, theo đó có thể buộc chính quyền phải thông báo cho công dân về việc thông tin cá nhân của họ được thu thập bằng cách thông báo cho họ. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp giả định rằng các dự án thành phố thông minh chỉ do khu vực công cộng kiểm soát.
Trên thực tế, hầu hết các dự án thành phố thông minh ở Canada được điều hành thông qua quan hệ đối tác công tư vì chính quyền thành phố thiếu cả ngân sách và chuyên môn để thực hiện hệ thống công nghệ. Trong trường hợp này, các công ty tư nhân có thể có vai trò dẫn dắt trong việc thiết kế, xây dựng, tài trợ, vận hành và duy trì các dự án thành phố thông minh. Trong quá trình này, họ cũng có thể giữ mức độ kiểm soát lớn đối với dữ liệu được tạo ra và sử dụng.
Ở một số quốc gia, những quan hệ đối tác này thậm chí có thể dẫn đến một mức độ tư nhân hóa chưa từng có. Ví dụ, Công ty Cisco Systems có thể yêu cầu đóng vai trò lớn hơn cả chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển của thành phố thông minh Songdo. Quan hệ đối tác công-tư trong việc xây dựng thành phố thông minh có thể có ý nghĩa phức tạp đối với việc kiểm soát dữ liệu ngay cả khi cả hai đối tác đều duy trì sự đảm bảo ở mức cao. Trapeze - một công ty thuộc lĩnh vực phần mềm vận tải – đã lên tiếng cảnh báo tới khu vực công về việc chuyển giao quyền kiểm soát dữ liệu ngoài ý muốn khi các nhà cung cấp tư nhân được lựa chọn vận hành hệ thống dữ liệu trong quan hệ đối tác.
Sự nhầm lẫn về quyền tài phán
Vẫn theo tác giả trên, cấu trúc phức tạp của các dự án thành phố thông minh đã tạo ra sự nhầm lẫn về quyền tài phán.
Đa số người dân không hiểu liệu thông tin cá nhân của họ trong một thành phố thông minh do một doanh nghiệp hay do một thực thể chính phủ nắm giữ. Đa số mọi người thường có ý kiến mạnh mẽ hơn về việc những người nào có quyền truy cập vào thông tin của họ hơn là thông tin nào được truy cập.
Cấu trúc phức tạp của các dự án thành phố thông minh đã tạo ra sự nhầm lẫn về quyền tài phán. |
Các nghiên cứu cho thấy nhiều công dân phản đối việc chính phủ sử dụng thông tin của họ hơn là trường hợp các công ty tư nhân làm vậy.
Tuy nhiên, Canada hiện lại không có luật nào rõ ràng quy định rằng bạn có quyền được thông báo về danh tính của bên đang thu thập dữ liệu của bạn trong một thành phố thông minh. Do đó, khi một công dân bước vào một thành phố thông minh, họ sẽ không biết được rằng thông tin cá nhân nào của họ đang bị thu thập và họ cũng sẽ không biết ai đang thu thập các thông tin đó.
Theo bà Emilie Scott, các vấn đề về quyền riêng tư tương tự cũng đang được đặt ra ở các thành phố thông minh trên toàn thế giới.
Vì vậy, Canada phải có các bước đi để có được các quy định pháp lý cụ thể về vấn đề quyền riêng tư trong các dự án thành phố thông minh mới nổi của nước này.
Còn tiếp