Xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc trưng

(PLVN) - Ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm vụ năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023; Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội (QH) và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 6 chỉ tiêu khả năng đạt và 4 chỉ tiêu khó đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 7,3%/năm, trong đó, 6 tháng đầu năm nay đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, TP trong khu vực. GRDP bình quân đầu người năm 2023 tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm… Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng như Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023;…

Bày tỏ vui mừng nhận thấy mỗi lần quay trở lại đều thấy Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mới, Chủ tịch QH nhấn mạnh, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết với mong muốn từ lâu sẽ phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản. “Trung ương rất trăn trở, chúng ta đã tìm được định hướng phát triển cho Thừa Thiên Huế. Đô thị di sản thì không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương, nhưng nguồn lực thực hiện cũng còn nhiều khó khăn”, Chủ tịch QH nói.

Cho biết vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đã sửa đổi và ban hành các Nghị quyết mới về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), Chủ tịch QH nhấn mạnh, khi sửa đổi, ban hành 2 Nghị quyết này thì một trong những tiêu chí quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ QH xem xét là Thừa Thiên Huế có khả năng đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, trở thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2025 hay không. Chủ tịch QH cũng chia sẻ, vấn đề trăn trở nhất đối với những địa phương có nhiều di sản như Thừa Thiên Huế là làm thế nào để vừa gìn giữ, bảo tồn vừa phát huy được các giá trị của di sản, bảo tồn phải song hành với phát triển.

Phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ; sớm bàn, quyết định, triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 54-NQ/TW, Nghị quyết số 38/2021/QH15… Tỉnh cũng cần tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, hướng tới đích thứ nhất là xây dựng Thừa Thiên Huế vào năm 2025 trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đích thứ hai là xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu; trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế vào năm 2030.

Đích thứ ba là xây dựng Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng vào năm 2050.

Chủ tịch QH cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu QH tỉnh, của HĐND các cấp; đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của QH, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm những chương trình hoạt động của QH, nhất là các chuyên đề giám sát của QH trong năm 2023, 2024; tham gia hiệu quả, đóng góp tích cực, chất lượng tại các kỳ họp sắp tới của QH khóa XV.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã kiến nghị, đề xuất đến Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác nhiều nhóm vấn đề. Theo đó, tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thành các thủ tục có liên quan đến việc xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định và cho phép bổ sung Đề án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp cuối năm 2024.

Về hạ tầng giao thông, cảng biển, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm bố trí nguồn lực cho dự án đầu tư xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; quan tâm cho chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng đường chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa từ nước bạn Lào đến cảng chuyên dụng Điền Lộc qua đường 71 với tổng chiều dài khoảng 54km; tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện nhu cầu đầu tư đê chắn sóng ở cảng Chân Mây; sớm ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa để có nguồn lực thực hiện việc trùng tu di sản của quốc gia.

Tỉnh cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xem xét sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cho phép mở rộng điều kiện thanh lý tài sản đối với các tài sản không phù hợp quy hoạch theo hình thức thanh lý. Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng các đề án và hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế - hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Thùy Nhung

Đọc thêm