Hướng hoạt động văn hóa vào xây dựng con người Việt Nam trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật
Năm 2014, vấn đề công nghiệp văn hóa được chính thức đề cập trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Với quan điểm mới này, giá trị, bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố “sức mạnh mềm” giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phải tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; đồng thời nhấn mạnh tư tưởng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi.
… Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khuyến khích, nâng đỡ, nhân rộng cái đúng, cái tốt, cái tích cực; bảo vệ các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội. Đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu; chống các quan điểm sai trái gây ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa và ổn định xã hội…”.
Có thể thấy, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới yếu tố “con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam”. Do đó việc “hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách” là điều rất cần thiết. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”…
Trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia, ngành Văn hóa đóng vai trò then chốt. (Ảnh minh họa) |
Xây dựng thương hiệu quốc gia, ngành Văn hóa đóng vai trò then chốt
Là quan điểm của GS.TS. Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong bài viết “Xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa”. Theo GS.TS. Từ Thị Loan ngay từ năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng “Chương trình thương hiệu quốc gia” với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, gia tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam này, ngành Văn hóa đóng vai trò then chốt, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Ở nghĩa rộng, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia, văn hóa là nhân tố chi phối, quyết định chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, thương mại… Ở nghĩa hẹp, các thành tố của văn hóa như: di sản, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, thời trang...
Việc tuân thủ pháp luật giúp các tổ chức, cá nhân đảm bảo chữ tín, đạo đức kinh doanh, đạo đức làm nghề, trách nhiệm xã hội… để từ đó gia tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Văn hóa cũng là sức mạnh mềm trong các quan hệ đối ngoại; là nguồn tài nguyên nhân văn vô tận phục vụ cho các hoạt động sáng tạo; là nền tảng trong các hoạt động giáo dục, khoa học, công nghệ, là hệ thống các giá trị dẫn dắt, điều tiết, định hướng xã hội hướng tới những mục tiêu nhân văn tốt đẹp…
Từ quan điểm của GS.TS. Từ Thị Loan có thể thấy ngành Văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Và để tạo chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa cộng đồng thì giải pháp hữu hiệu nhất là tuân thủ pháp luật để biến văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh mềm” của dân tộc.
Một trong ví dụ minh chứng cho việc thực hiện nếp sống văn hóa cộng đồng đó là vấn đề văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn hóa cộng đồng. Các nội dung quan trọng về xây dựng văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được Bộ VHTTDL lồng ghép và đưa thành một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn để xét và công nhận các danh hiệu văn hóa.
Sự ra đời và đi vào thực tiễn của những hành lang pháp lý như Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; cùng các văn bản quy phạm về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước… càng tạo thêm nền tảng cho những chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Các văn bản đã lồng ghép nội dung hướng dẫn, tổ chức việc cưới trang trọng, vui tươi; việc tang tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ các tập tục, tập quán lạc hậu, khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển, thực hiện hỏa táng…
Bộ VHTTDL cũng đã xây dựng nhiều đề án, đề tài, hội thảo khoa học, tọa đàm nghiên cứu những giá trị cần phát huy, những hủ tục cần loại bỏ trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trong đó, phải kể đến những hội thảo có nội dung thiết thực, với trọng tâm là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm; đám tang hỏa táng, điện táng và các giải pháp chính sách hỗ trợ nhân dân; tọa đàm về ứng xử văn minh trong lễ hội…
Các mô hình cưới, tang văn minh, tiết kiệm; các cá nhân, tập thể gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh góp phần tích cực đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống đã được biểu dương kịp thời. Những mô hình tiêu biểu có thể kể đến như đám cưới tập thể, mô hình tổ chức cưới theo nếp sống mới “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”, không ăn uống linh đình, không thuốc lá, không uống rượu bia, mở nhạc không quá 22h đêm. Việc tang được tổ chức văn minh, trang trọng, không cỗ bàn dềnh dang, loại bỏ hủ tục… Nhiều lễ hội trước đây còn diễn ra các hiện tượng không phù hợp với đời sống văn minh, hiện đại cũng đã và đang “gạn đục khơi trong”, trả lễ hội về với cộng đồng và giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống…
Theo các nhà quản lý, chuyên gia, những chuyển biến rõ nét một phần cơ bản bắt nguồn từ việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng con người có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua vẫn bộc lộ những bất cập cần tiếp tục có giải pháp khắc phục. Đâu đó vẫn còn những tập tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; một số địa phương, gia đình còn tổ chức cưới phô trương, hình thức, mời khách tràn lan; đám tang còn tổ chức kéo dài, sử dụng nhiều vàng mã, ăn uống dềnh dang…
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, cần tiếp tục thực hiện nghiêm những văn bản quan trọng như Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản liên quan của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…