Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa dùng khái niệm Nhà nước pháp quyền nhưng tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền kiểu mới đã xuất hiện từ năm 1919. Trước đổi mới, văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng chưa sử dụng khái niệm Nhà nước pháp quyền nhưng đã chứa đựng nhiều giá trị tiến bộ của Nhà nước pháp quyền của nhân loại.
Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), lần đầu tiên, văn kiện của Đảng chính thức sử dụng khái niệm Nhà nước pháp quyền, sau đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN). Từ đó đến nay, lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được phát triển, hoàn thiện, bao gồm những vấn đề lý luận cơ bản sau:
1. Nhà nước pháp quyền của ai, do ai, vì ai?
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân là một đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng; và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là một phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Đây là vấn đề lý luận cơ bản đầu tiên của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đặc trưng này thể hiện chủ thể quyền lực nhà nước là nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông. |
2. Nguyên tắc phân chia quyền lực của Nhà nước
Trong Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau hay là tam quyền phân lập. Thể chế hóa Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, là vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Quyền lực nhà nước thống nhất ở nhân dân. Quan niệm thống nhất quyền lực nhân dân thể hiện ở nguyên tắc: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Sự thống nhất quyền lực nhà nước không phải là sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào một nhóm quyền lực nào đó mà có sự phân công phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, được phân công thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ là cơ quan hành pháp nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Quốc hội được phân công thực hiện quyền lập pháp, nhưng các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là Chính phủ, cũng có quyền tham gia vào quy trình lập hiến, lập pháp. Chính phủ được phân công thực hiện quyền hành pháp, nhưng các cơ quan khác của Nhà nước như: Quốc hội, Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân... cũng tham gia thực hiện quyền hành pháp.
Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho tòa án thực hiện, nhưng mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có ý nghĩa tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của tòa án. Ngoài việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan nói trên, còn có phân công, phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, còn có sự kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm kiểm soát bên trong giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp và kiểm soát bên ngoài do nhân dân (cá nhân, tổ chức tiến hành).
3. Vị trí của Hiến pháp và các đạo luật trong Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật. Bộ máy nhà nước của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, trong đó Hiến pháp - đạo luật cơ bản có giá trị pháp luật cao nhất.
Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý nhà nước và quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện trong nước và thông lệ quốc tế. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
4. Quyền con người, quyền công dân và vấn đề dân chủ, kỷ luật, kỷ cương trong Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm không chỉ được thể chế hóa trong Hiến pháp và các đạo luật, mà còn được tổ chức thực hiện trong thực tế bằng các cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân và không ngừng chăm lo hoàn thiện cơ chế đó.
Hiến pháp năm 2013 dành Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó đã quy định: Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
5. Tính pháp quyền của Nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ quốc tế
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh, có thiện chí các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết hoặc thừa nhận. Đây là yếu tố đánh giá tính pháp quyền của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế trong điều kiện hội nhập với quốc tế. Điều đó cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật của Việt Nam càng phải phù hợp với thông lệ của quốc tế.
6. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền
Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều đó đã được khẳng định trong Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013. Hiến pháp 2013 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN là tất yếu khách quan, là tiền đề và điều kiện để Nhà nước giữ vững tính chất XHCN, bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của mình. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và có Nhà nước pháp quyền XHCN, phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước. Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm mục tiêu XHCN mà nhân dân đã lựa chọn, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mặt khác, đòi hỏi Nhà nước phải có năng lực để thực hiện các chức năng, thẩm quyền được nhân dân và xã hội giao phó.
Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nêu trên đã thể hiện những yêu cầu, đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền, đồng thời có những đặc trưng riêng thể hiện rõ nét hơn bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xuất phát từ bản chất của chế độ XHCN, điều kiện lịch sử - cụ thể của nước ta.