Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ công nhân, công đoàn

(PLVN) - Sáng 19/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn”.

Tọa đàm là một trong các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2024; là điểm nhấn thúc đẩy sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân, Công đoàn; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam rất vinh dự và tự hào đã giáo dục, rèn luyện và đóng góp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú trưởng thành từ phong trào công nhân, công đoàn.

Đặc biệt, ở Trung ương, từ khi thành lập Đảng đến nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là điểm xuất phát, môi trường hoạt động, phấn đấu và trưởng thành của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiêu biểu như: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; đồng chí Tôn Đức Thắng; đồng chí Hoàng Quốc Việt; đồng chí Nguyễn Văn Linh; đồng chí Phạm Thế Duyệt,…

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Ở các cấp địa phương, các ngành, nhiều công nhân, cán bộ Công đoàn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương, ngành. Hiện nay, cả nước có 4 địa phương tiêu biểu, 2 nhiệm kỳ lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố trưởng thành, được giao các trọng trách quan trọng, chủ chốt là: Thành phố Hà Nội: 1 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thành phố Đà Nẵng: 1 đồng chí Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và 1 đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; tỉnh Bình Dương: 2 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 3 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng có thời gian làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh...

"Dù ở cương vị nào, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gắn bó với nhân dân, trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc, của giai cấp. Sự tham gia và khẳng định về năng lực, phẩm chất của các đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta", ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành từ công nhân, Công đoàn luôn được Đảng ta quan tâm với nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn, khoa học. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 20/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đặt mục tiêu “Tăng tỉ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân”. Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 21/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đặt ra yêu cầu “Cơ cấu cấp ủy các cấp có tỷ lệ hợp lý người trưởng thành từ công nhân, Công đoàn…”.

Tuy nhiên, ở khâu tổ chức thực hiện, nhiều nơi còn chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng nên kết quả đạt được còn khiêm tốn. “Tỉ lệ cán bộ Công đoàn trưởng thành từ công nhân, người lao động trực tiếp, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn còn khiêm tốn; chưa có chính sách đặc thù để bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân, Công đoàn cơ sở, số cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp ở nhiều địa phương không trưởng thành từ Công đoàn” - ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ mong muốn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà khoa học bằng sự nhiệt tình và tâm huyết, khách quan, khoa học đóng góp nhiều ý kiến quý báu, làm sâu sắc 3 nhóm vấn đề chính gồm cơ sở chính trị, pháp lý về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, Công đoàn; thực trạng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ giai cấp công nhân, công đoàn; định hướng giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã thể hiện quan điểm của mình trên nhiều khía cạnh nội dung sâu sắc, phong phú từ lý luận đến thực tiễn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn; từ vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, của công đoàn đến số lượng, chất lượng, yêu cầu và thách thức đặt ra đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn trong tình hình mới.

Để đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ hợp lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, cần chú trọng những yêu cầu như: đặt cơ cấu thành phần giai cấp công nhân trong tương quan với các giai tầng khác; phù hợp với từng địa phương, ngành, lĩnh vực khác nhau bởi số lượng công nhân khác nhau. Cùng với đó, đảm bảo sự thống nhất giữa số lượng và chất lượng; trong đó, cần coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác giáo dục ý thức chính trị, lập trường giai cấp cho công nhân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng, nhất là trong việc xây dựng, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trong các doanh nghiệp để trở thành lực lượng quan trọng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao ý chí và tinh thần tự giác phấn đấu vào Đảng cũng như tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của giai cấp công nhân.

Đọc thêm