Xây nhà máy điện hạt nhân nổi - 'trào lưu' mới ở châu Á?

(PLO) - Các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể là nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho các quốc gia nhỏ, các thành phố cảng hay các hòn đảo ngoài khơi khan hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà máy điện này có phải cũng sẽ tạo ra những nguy cơ về an ninh và an toàn tương tự các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền hay không?
Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga

Phát triển điện hạt nhân tại châu Á đã có những bước tiến vượt bậc, nhiều lò phản ứng hạt nhân mới đã được lên kế hoạch hoặc đang trong quá trình xây dựng. Trung Quốc hiện đang vận hành 30 lò phản ứng hạt nhân, đang xây dựng 21 nhà máy điện hạt nhân, và quốc gia này sẽ tiếp tục xây dựng thêm 60 nhà máy khác trong vòng 10 năm tới. Việt Nam dự kiến sẽ vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2028, trong khi Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đều đang nghiên cứu khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân. 

Ý tưởng cũ, “trào lưu” mới

Một hiện tượng đang thu hút nhiều sự quan tâm là khả năng phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi. Trung Quốc hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng nổi cơ động và cỡ nhỏ vào năm 2017, với mục tiêu sản xuất điện trong năm 2020. Trung Quốc thậm chí còn dự định vận hành cả một chuỗi các nhà máy điện hạt nhân ngoài khơi để cung cấp điện cho các khu vực ở xa, chẳng hạn như các giàn khoan dầu ngoài khơi và những hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng tại Biển Đông. 

Lò phản ứng hạt nhân nổi không phải là một ý tưởng mới. Tại nhà máy đóng tàu ở thành phố Saint Petersbusg, Nga đã bắt đầu thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân nổi đặt trên tàu mang tên “Viện sĩ Lomonosov”.

Theo Sputnik, nhà máy điện hạt nhân nổi “Viện sĩ Lomonosov” có lượng choán nước 21,5 tấn; công suất có thể lên đến 70 MW, đủ cung cấp điện cho một thành phố với dân số hơn 200.000 người, một cảng biển hoặc các giàn khoan dầu khí ở ngoài khơi. Các lò phản ứng cũng có thể được sử dụng để biến nước mặn thành nước ngọt, có khả năng sản xuất 240.000m3 nước mỗi ngày để phục vụ sinh hoạt và các nhu cầu kinh tế. Thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân nổi này là khoảng 40 năm.

Nhà máy điện hạt nhân nổi là một tổ máy điện di động có công suất thấp, sản xuất điện tại các khu vực có nhu cầu sử dụng điện tức thời. Nhà máy này không phải là tàu thủy tự hành, mà phải được kéo đến một vị trí xác định ở các khu vực ven biển. Khi đã ổn định vị trí, nhà máy điện hạt nhân nổi được kết nối với cơ sở hạ tầng bờ biển để cung cấp điện và nhiệt.

Một nhà máy điện hạt nhân nổi có công suất tối đa là hơn 70MW. Nhà máy được trang bị hai lò phản ứng KLT-40S với khả năng sinh nhiệt 150MW/lò. Tháng 12 tới, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga sẽ bắt đầu tải nhiên liệu hạt nhân lên tổ máy điện của Akademik Lomonosov. Tổ máy điện được kỳ vọng sẽ sẵn sàng cho quá trình vận chuyển vào tháng 10/2017. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động trong tháng 11/2019.

Nhiều nhà bình luận cũng cho rằng việc sử dụng lò phản ứng hạt nhân nổi là điều khả thi và phù hợp với các quốc gia Đông Nam Á. Những người ủng hộ giải pháp xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đã nêu bật nhiều lợi thế đặc biệt của các công trình này, trong đó đáng chú ý nhất là khả năng tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, loại trừ nguy cơ ô nhiễm nguồn đất và giúp cho người dân tránh bị ảnh hưởng từ các tai nạn hoặc thảm họa hạt nhân, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Hơn thế nữa, một lò phản ứng hạt nhân trên biển được cho là sẽ có tính an toàn cao hơn nhờ nguồn nước làm mát dồi dào giúp ngăn chặn những sự cố như thảm họa hạt nhân Fukushima khi lõi nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân tan chảy. Các lò phản ứng hạt nhân nổi nhỏ có thể dễ dàng di chuyển khỏi khu vực nếu có nguy cơ sóng thần hay thảm họa thiên nhiên, đồng thời có thể tới được cả các khu vực hạn chế về năng lượng. 

Nhà máy điện hạt nhân nổi đặt trên tàu mang tên “Viện sĩ Lomonosov” (Ảnh: Sputnik)

Nỗi lo an toàn

“Dù có nhiều lợi thế đặc biệt, song công nghệ này vẫn tồn tại những thách thức nhất định về mặt an toàn hạt nhân. Trong trường hợp xảy ra các sự cố, tuy nguồn nước làm mát dồi dào song việc sử dụng nguồn điện bên ngoài - tương tự hệ thống được lắp đặt tại các nhà máy điện trên đất liền là điều khó khả thi. Hơn thế nữa, việc ngăn chặn nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với ở trên đất liền.

Thậm chí, dù ở xa các khu dân cư song phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố cũng có thể theo gió lan đi rất xa” -Julius Cesar I. Trajano - nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Năng lượng Hạt nhân của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang Singapore – nhấn mạnh.

Tác động môi trường của các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng là yếu tố cần được tính đến. Trong khi có thể tránh khỏi ô nhiễm nguồn đất thì sự cố trên biển cũng dẫn đến nguy cơ rò rỉ phóng xạ và hủy hoại hệ sinh thái biển ở các khu vực lân cận.  Phần lớn khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Biển Đông đều là nơi dễ hứng chịu thiên tai như động đất, sóng thần và bão.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các cơ sở hạ tầng và cấu trúc nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông, kể cả các nhà máy điện hạt nhân nổi, có đủ sức chống chọi trước các cơn bão mạnh hay không. Hơn thế nữa, tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Trung Quốc vẫn là một mối bận tâm đối với nhiều người, kể cả giữa các chuyên gia hạt nhân của nước này.

Trong bối cảnh Trung Quốc lên kế hoạch triển khai hàng loạt công trình hạt nhân trên biển, các quốc gia thành viên ASEAN cần tính đến nguy cơ sự cố hạt nhân và từ đó có các phương án dự phòng để đối phó hiệu quả. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một vài quốc gia Việt Nam, Indonesia và Philippines đã có sự chuẩn bị và diễn tập phản ứng đối với các tình huống khẩn cấp này. 

Đặc điểm địa lý của khu vực Đông Nam Á khiến việc lựa chọn địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân nổi là điều không hề đơn giản, vì phần lớn các vùng biển bao quanh các quốc gia quần đảo đều thuộc tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nối liền Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và các nước vùng Đông Dương. 

Nguy cơ an ninh

Cũng giống như các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng vẫn sản sinh ra các chất thải phóng xạ cần phải được xử lý cẩn thận. Việc bảo quản các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng để tránh nguy cơ rò rỉ phóng xạ, và việc thiếu các nơi lưu trữ dành cho các rác thải phóng xạ cấp độ cao hiện là một thách thức đang làm đau đầu các chuyên gia hạt nhân. 

Cũng theo Julius Cesar I. Trajano, nhiên liệu được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân nổi cần phải được vận chuyển về đất liền để lưu trữ và bảo quản đúng cách nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và rò rỉ phóng xạ. Trong trường hợp này, vấn đề an ninh khi vận chuyển các vật liệu phóng xạ bằng đường biển cũng như việc bảo vệ vật lý các cơ sở hạt nhân, bao gồm các lò phản ứng hạt nhân nổi khỏi sự phá hoại và tấn công khủng bố là những thách thức quan trọng tại Đông Nam Á.

Với một thực tế là khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh hàng hải như cướp biển, tranh chấp lãnh thổ, buôn lậu và bắt cóc thì một câu hỏi đặt ra là liệu việc đảm bảo an ninh cho các công trình trên biển này phải được triển khai như thế nào, và liệu các nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể được bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng, tương tự những biện pháp đã được sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền hay không? 

Dù có nhiều lợi ích và là một lựa chọn hấp dẫn trong tương lai, song người ta cần tính đến những rủi ro và nguy cơ mà công nghệ hiện đại này mang lại. Những câu hỏi về an ninh và an toàn hạt nhân đối với việc phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi cần phải là một phần quan trọng trong mọi phân tích về chi phí lợi ích-thiệt hại khi giới hoạch định chính sách khu vực nghiêm túc cân nhắc sử dụng loại công nghệ này...

Nhà máy điện hạt nhân được xây dựng tại 31 quốc gia trên toàn thế giới. Trên thế giới hiện đang có 388 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất là 333 GW, Công ty TVEL của Nga cung cấp nhiên liệu cho 73 lò phản ứng trên tổng số 388 lò phản ứng (17 % thị trường thế giới). Tuy vậy, hiện có 45 lò phản ứng hạt nhân đã không sản xuất điện trong vòng hơn một năm rưỡi, đa phần trong số đó là của Nhật Bản.

Hai phần ba các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trên quy mô toàn cầu, trong vòng 20 năm tiếp theo sẽ có thêm 8 lò phản ứng mới được xây dựng thêm.

Tuổi thọ trung bình của mỗi lò phản ứng hạt nhân là 28,5 năm. Lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ lớn nhất là tại Thụy Sĩ với hơn 45 năm làm việc. Hiện tại đã có 153 lò phản ứng ngừng làm việc, thời gian làm việc trung bình của các lò đó là 23 năm.(Nguồn: Wikipedia)

Đọc thêm