Xây 'tổ' đón thêm nhà đầu tư từ Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang có nhu cầu mở rộng sản xuất ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Hàn cũng đã “đánh tiếng” muốn xây dựng nhà xưởng sản xuất ở Việt Nam, thậm chí một khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn cũng đã được đề xuất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp Hàn muốn tới Việt Nam

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 300 khu công nghiệp (KCN) được thành lập và hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Hyundai... đã thành lập các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hanshiba) cho rằng, các nhà sản xuất linh kiện tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và thuần Việt đều vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng trang thiết bị, nguyên - vật liệu, dẫn tới việc hàng năm các tập đoàn lớn phải nhập khẩu hàng trăm tỷ USD cho nhu cầu về linh kiện sản xuất điện tử, điện thoại, linh kiện ô tô, công nghiệp chế tạo khác…

Ông Park Chung-won (Hiệp hội điện tử Hàn Quốc) cho biết, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như LG, Samsung đều là thành viên của Hiệp hội, đã có các cơ sở tổ hợp sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều có mong muốn được cung ứng nguyên vật liệu tại chỗ, đã và đang xúc tiến các chương trình nâng cao khả năng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến các hoạt động hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong các lĩnh vực CNHT thông qua Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt – Hàn và các dự án giữa Bộ Công Thương và Công ty Samsung Việt Nam. Thông qua các chương trình được triển khai, đã hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về sản xuất trong lĩnh vực khuôn mẫu, cải tiến quy trình sản xuất và kết nối, trở thành nhà cung ứng cho chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp, tập đoàn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Park Chung-won, các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất và cung ứng linh kiện sản phẩm cho các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Nhiều công ty khác của Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu vào Việt Nam để thiết lập cơ sở sản xuất sau khi dịch COVID được kiểm soát tại Việt Nam, các hoạt động giao thương, hợp tác đầu tư đã trở lại hoàn toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp này sẽ rất cần đất và mặt bằng sản xuất tiêu chuẩn trong thời gian tới cũng sự hỗ trợ từ phía đối tác Việt Nam.

Một số chi hội công nghiệp và thương mại Hàn Quốc ở các tỉnh, thành phía Nam cũng đã thông tin về việc mong muốn thành lập được những KCN dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Mới đây nhất, Chi hội công nghiệp và thương mại Hàn Quốc ở Long An đã bày tỏ mong muốn xây dựng một KCN dành cho doanh nghiệp Hàn với diện tích 50ha.

Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

Ông Nguyễn Hoàng cho biết, Hanshiba đã làm việc với một số hiệp hội, công ty của Hàn Quốc và chuẩn bị sẵn sàng các phương án hợp tác giữa 2 bên để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác liên kết sản xuất các sản phẩm CNHT và công nghệ cao tại chuỗi các KCN Hanssip thuộc Tập đoàn N&G.

Đáng chú ý, hiện Hanshiba có hơn 200 thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNHT, nhiều công ty đã và đang là đơn vị cung ứng linh kiện cho các tập đoàn Samsung, LG và các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới đang có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là nguồn lực để có thể hợp tác với hiệp hội điện tử, hiệp hội sản xuất linh kiện ô tô của Hàn Quốc liên doanh, liên kết sản xuất, nội địa hóa sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị phần rất lớn trong lĩnh vực linh kiện CNHT đang phải nhập khẩu trong thời gian qua.

Trước mắt, những doanh nghiệp này có thể cung cấp ngay theo nhu cầu của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam như Samsung, Hyundai, LG... đồng thời, về lâu dài nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hợp tác đầu tư sản xuất với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư sản xuất tại chuỗi các KCN Hanssip sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt bằng - nhà xưởng sản xuất, hỗ trợ tư vấn miễn phí các thủ tục đầu tư và các loại giấy phép, xin áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động, ưu đãi về nhà ở cho chuyên gia và công nhân.

Được biết, một biên bản ghi nhớ về việc xúc tiến hợp tác, đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Gyeonggi (tỉnh đông dân nhất tại Hàn Quốc với khoảng 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ) sang hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh tại chuỗi các khu công nghiệp do Tập đoàn N&G đã và đang triển khai tại Hà Nội và các tỉnh, thành của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng, để có thể tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư đang lên của Hàn Quốc vào Việt Nam, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, qua đó giảm thiểu nhập khẩu linh kiện.

Đọc thêm