Đáng chú ý, theo báo cáo giám sát, ngân sách đầu tư cho công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; Tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỉ đồng và 6.462 ha rừng.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỉ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỉ đồng và 5,3 ha rừng.
Theo ông Việt, giai đoạn 2014 - 2018, lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (chiếm 85,76%); tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt trên 98.000 trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp.
Ông Việt cũng cho hay, giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cho 29.230 dự án, công trình.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7.2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Đáng lưu ý, theo ông Việt, giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khoảng 8.341 tỉ đồng là không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy toàn quốc được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, ca nô chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ… Tuy nhiên, số lượng phương tiện được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế.
Có nên dùng trực thăng cứu hỏa?
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cháy chợ, cháy rừng đang xảy ra rất nghiêm trọng. Đoàn giám sát đã nhận thấy công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chậm, hoặc có thì không phù hợp với quy định của Luật PCCC vậy cần liệt kê gồm những văn bản nào chưa phù hợp để bổ sung thêm cho phù hợp với Luật PCCC.
Theo ông Thanh, dù công tác tuyên truyền PCCC đã quán triệt xuống nhiều địa phương, nhiều nơi đã có cách làm hay nhưng hiệu quả chưa cao. Nhất là kỹ năng của người dân khi xảy ra cháy thì không biết thoát hiểm thế nào, còn người hiểu là chủ đầu tư, doanh nghiệp lại không nghiêm túc thực hiện phòng cháy, chữa cháy.
Nhưng điều được ông Thanh quan ngại nhất chính là thiết bị phục vụ cho công tác PCCC có 50% thiết bị cũ trên 20 năm, khi xảy ra cháy không vận hành chữa cháy được.
Từ thực tế hiện có nhiều nhà cao tầng trên 75m khi xảy ra cháy thang của xe chữa cháy chưa thể vươn tới được và đây là vấn đề nguy hiểm, ông Thanh đặt vấn đề: Còn 2.662 các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa thẩm duyệt PCCC, hay 110 chung cư người dân đã vào ở mà chưa nghiệm thu về PCCC, vậy khi xảy ra cháy trách nhiệm thuộc về ai thì phải chỉ rõ trách nhiệm. Ông Thanh cũng đề xuất tính đến phương án dùng trực thăng chữa cháy.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có nhiều khu dân cư trong nội đô với mật độ người rất đông. Trong khi nhiều nhà còn cải tạo, cơi nới dây điện chằng chịt. Chưa kể ngõ ngách nhỏ, người và xe máy tránh nhau khó nên khi cháy thoát cũng khó, lực lượng chữa cháy cũng khó mà vào được.
“Khi xảy ra cháy thì sẽ xử lý như thế nào? Cho nên có thể tính đến dùng trực thăng để chữa cháy, chỉ cần có nơi cho trực thăng đậu, nếu đậu trên cao mà phun nước chữa cháy sẽ hiệu quả hơn”, ông Chiến bày tỏ.
Đặt ra hàng loạt câu hỏi với công tác PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn: “Công tác PCCC trong chung cư như thế nào? Hay trường học có 20 triệu học sinh thì công tác PCCC tại các trường này như thế nào trong khi kỹ năng thoát hiểm của các cháu rất yếu. Vậy trách nhiệm Nhà nước như thế nào trong vấn đề này? Các tòa nhà xây dựng xong mà không đảm bảo an toàn về PCCC thì trách nhiệm thuộc về ai trong khi đây là vấn đề liên quan đến an toàn cuộc sống, sinh mạng của người dân?
Về đề nghị dùng trực thăng chữa cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, việc dập lửa khi xảy ra cháy, nếu cần huy động trực thăng chữa cháy thì quân đội sẵn sàng huy động ngay. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, không phải tình huống nào đưa trực thăng chữa cháy cũng hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, hiện nay chưa có thang chữa cháy nào cao đến hết các tòa nhà siêu cao tầng, mà các tòa nhà này phải thiết kế tầng chống cháy. Hai là, dùng trực thăng phải dùng chất gì chứ không thể dùng nước được, vì như thế không hiệu quả.