Xem xét báo cáo phòng chống tham nhũng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến 10 dự án luật khác, trong đó có Luật Phòng chống buôn bán người và Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nhiều nội dung quan trọng khác.

Hôm qua - 20/7, trong phiên khai mạc phiên họp thứ 32, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ bảy và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII. Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Viên chức.

cc
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về kỳ họp thứ bảy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đánh giá: Công tác xây dựng pháp luật được thực hiện theo đúng chương trình kế hoạch đề ra;  đã thông qua 10 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết.

Công tác giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo với giáo dục đại học đã ghi nhận những thành tựu cũng như chỉ ra những tồn tại hạn chế để tìm giải pháp khắc phục.

Kỳ họp thứ 7 cũng đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự. Đặc biệt, xem xét hai dự án lớn là chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh, Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Chủ nhiệm Trần Đình Đàn cũng chỉ ra những hạn chế trong kỳ họp thứ 7, như chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, dự án, đồ án còn hạn chế, chưa sát thực tế; giám sát còn trùng lắp; chưa chỉ rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về những tồn tại…

Liên quan đến việc chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết, trong đó đáng lưu ý là các dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Viên chức, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND…

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 10 dự án luật khác, trong đó có Luật Phòng chống buôn bán người và Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

 Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian chủ yếu cho các vấn đề kinh tế, xã hội; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và DN theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010.

 Đặc biệt, theo đề xuất, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nhiều nội dung quan trọng khác.

Để kỳ họp thứ 8 diễn ra chất lượng, Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo một số vấn đề, đặc là đối với các dự án luật trình Quốc hội thông qua.

Cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng sau khi phân tích nhấn mạnh, cần tránh tình trạng đưa vào rút ra quá nhiều dự án luật trong một kỳ họp.

Riêng về dự án đường sắt cao tốc, trước nhiều ý kiến khác nhau của dư luận và Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe để trình vào thời điểm thích hợp.

Với nội dung chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng  của Quốc hội Lê Quang Bình đề nghị một số nội dung cần được Thủ tướng trả lời thay vì Phó Thủ tướng.

 Riêng kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và chuẩn bị 65 năm Quốc hội Việt Nam, các ý kiến thảo luận đều cho rằng nên làm đơn giản, tránh lãng phí, rườm rà.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt lưu ý phải cân nhắc, tính toán kỹ về hình thức và quy mô tổ chức lễ kỷ niệm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, lễ hội nhiều nơi diễn ra quanh năm và tháng 1 cũng là tháng diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc.

Thu Hằng

Đọc thêm