Xem xét cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Tổ chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá khuyến nghị Việt Nam xem xét và quy định cấm hoàn toàn cả sản phẩm Thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN)...
Hội thảo tham vấn ý kiến liên quan đến chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Trước sự gia tăng của các sản phẩm TLĐT và TLNN trên thị trường trong nước, sáng 5/3, Bộ Y tế tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, pháp luật, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức liên quan liên quan đến chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Tại hội thảo này, Thạc sỹ Lê Thị Thu – Cán bộ quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đưa ra cảnh báo: TLĐT và TLNN được sản xuất bởi các công ty khác nhau, trong đó dẫn đầu là các công ty sản xuất thuốc lá truyền thống đa quốc gia như: British American Tobacco (BAT); Philip Morris International (PMI); Imperial Japan Tobacco International (JTI), Ploom; KT&G, Lil Hybrid.

Với mục tiêu thu hút khách hàng, các công ty thuốc lá đã sử dụng rất nhiều cách khác nhau để quảng cáo sản phẩm của mình, như: Cửa hàng bán lẻ; Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter…; Sự kiện thể thao; Sử dụng thanh thiếu niên tiếp thị sản phẩm; Sử dụng người nổi tiếng và có ảnh hưởng; và tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ bằng cách sử dụng các thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đa dạng màu sắc…

Việc cho ra thị trường sản phẩm TLĐT và TLNN với hương vị, đi kèm là các cách thức quảng cáo đa dạng đã làm cho tình hình sử dụng TLĐT và TLNN trên thế giới gia tăng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Ở Mỹ đã xảy ra “nạn dịch” hút TLĐT trong thanh thiếu niên. Từ năm 2011 đến 2018, số lượng sử dụng TLĐT ở thanh thiếu niên Mỹ đã tăng từ 1,5% lên mức báo động là 27,5%. Từ năm 2017 đến 2018, việc sử dụng TLĐT đã tăng 135% ở học sinh THPT. 

Thực tế cho thấy sử dụng TLĐT ở Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế chính sách quản lý TLĐT và TLNN tuy nhiên các sản phẩm này được bán và quảng cáo mạnh trên mạng xã hội vì vậy,  cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng không để các sản phẩm chưa được phép lưu hành bán tự do trên thị trường.  Đồng thời, cần xem xét cấm bán, sản xuất, quảng cáo các sản phẩm này ở Việt Nam.

Thạc sỹ Đoàn Thu Huyền – Giám đốc Văn phòng tại Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá cũng đưa ra khuyến nghị: Những sản phẩm thuốc lá được làm nóng (HTPs) và Hệ thống truyền tải Nicotine điện tử (ENDS), bao gồm: TLĐT, vapes, tẩu thuốc điện tử, shisha điện tử, và các sản phẩm khác, đang là mối đe dọa khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Tỷ lệ giới trẻ sử dụng các sản phẩm ENDS và HTPs đang ngày một tăng nhanh ở nhiều quốc gia. 

Hiện nay, xu thế các quốc gia ban hành quy định về các sản phẩm này đã khá rõ nét. Cụ thể: Đối với sản phẩm thuốc lá điện tử, các quốc gia thường quy định theo ba phương án chính: Quy định “Cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá điện tử” (24 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng); Quy định “Thuốc lá điện tử được xếp vào mặt hàng có điều kiện như dược phẩm hoặc sản phẩm điều trị” (8 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng); “Quy định và quản lý chặt chẽ theo các biện pháp về kiểm soát thuốc lá” (28 nước thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…).

Theo đó, Tổ chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) khuyến nghị Việt Nam xem xét và quy định cấm hoàn toàn cả sản phẩm TLĐT và TLNN…

Đọc thêm