Xem xét Nghị quyết liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

(PLVN) - Nghị quyết này vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam vừa giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Quang cảnh Phiên họp sáng 28/9. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh Phiên họp sáng 28/9. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Ngày 28/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của QH về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế TNDN bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới. Cụ thể như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Nêu mục đích, quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc Dự thảo Nghị quyết xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024; đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế; giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết: Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của QH về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD thực hiện rà soát. Đây chỉ là vấn đề về hình thức văn bản, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với việc không có chữ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết song về bản chất, Nghị quyết này vẫn phải được coi là một Nghị quyết thí điểm, với quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Về trình tự thủ tục, với yêu cầu đặt ra của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thời gian nộp tờ khai thuế TNDN bổ sung là 9 tháng sau khi kết thúc kỳ tính thuế (30/9/2025), quy định của GloBE là 12 tháng (31/12/2025). Theo đó, về cơ bản sẽ đủ thời gian để cơ quan soạn thảo triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN trong năm 2024 hoặc trình QH ban hành Nghị quyết theo quy trình thủ tục thông thường.

Tuy nhiên, các nội dung Dự thảo Nghị quyết là tương đối rõ, bảo đảm các quy định cụ thể và chi tiết. Vì vậy, để thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí trình QH bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình tại Kỳ họp tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp…

Đọc thêm