Khi một bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành sẽ không chỉ có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án và còn ảnh hưởng, tác động đến cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Và trong nhiều trường hợp, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án. So với các đương sự trong THADS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ ít hơn nhưng các quyền, lợi ích hợp pháp của họ vẫn được pháp luật về THADS tôn trọng, bảo vệ.
Tuy nhiên, pháp luật hiện nay vẫn còn chưa có đầy đủ các quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong THADS, cũng như quá trình áp dụng các quy định này trong thực tiễn còn có những vướng mắc, bất cập. Một trong số đó là quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung khi xử lý tài sản thuộc sở hữu chung để thi hành án.
Trong trường hợp tài sản để thi hành án là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án và người khác (đồng sở hữu chung) thì những người chủ sở hữu chung của khối tài sản đó được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và theo quy định của pháp luật về THADS.
Cụ thể, trong trường hợp tài sản thi hành án thuộc sở hữu chung nhưng chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thì theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó và người phải thi hành án có quyền tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong trường hợp tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung và tài sản chung không thể chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản nên phải xử lý toàn bộ khối tài sản chung thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó có quyền được thanh toán lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Bên cạnh đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung còn có một quyền rất quan trọng đã được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2015, đó là quyền được ưu tiên mua khi bán tài sản chung để thi hành án. Cụ thể, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo cho chủ sở hữu chung quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS quy định: Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 3 tháng đối với bất động sản, 1 tháng đối với động sản. Đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Nếu hết thời hạn ưu tiên nêu trên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên), tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 Luật THADS.
Quy định về quyền ưu tiên mua tài sản chung của chủ sở hữu chung tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS cơ bản được kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự về quyền định đoạt tài sản chung (khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, việc giữ nguyên thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là 3 tháng đối với bất động sản, 1 tháng đối với động sản kể từ ngày được thông báo hợp lệ; ngoài ra, còn quy định thêm đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, trong khi đó, theo các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, một phiên bán đấu giá tối thiểu cần tới 30 - 45 ngày. Điều này khiến cho thời hạn ưu tiên mua là quá dài, làm mất nhiều thời gian và thủ tục cho quá trình tổ chức thi hành án.
Vì vậy, để hạn chế bất cập phát sinh, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật THADS trong đó có việc xem xét rút ngắn thời hạn ưu tiên mua tài sản chung. Đồng thời, chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua tài sản chung ở lần đầu tiên bán tài sản để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và nâng cao hiệu quả kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trong thực tế.