Xem xét tiếp cận căn cứ khoa học đa chiều về thuốc lá mới

(PLVN) - Trong cuộc đua chống thuốc lá nung nóng (hay còn gọi là thuốc lá làm nóng), thuốc lá điện tử, cơ quan quản lý cần xem xét việc đợi thêm kết quả nghiên cứu khoa học trong nước. Bởi để thực hiện một nghiên cứu khoa học đúng chuẩn sẽ đòi hỏi thời gian rất lâu, mất nhiều năm liền.
Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Nguyễn Hồng Ngọc phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: H.Giang)

Có thể thấy, việc đợi thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm trong nước sẽ tốn nhiều thời gian. Nếu có kết quả, thì cũng bị thực tiễn bỏ xa. Bởi tốc độ lan rộng của thị trường buôn lậu thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) có thể diễn biến nhanh hơn tốc độ nghiên cứu của các cơ quan quản lý. Trước thực trạng đó, cần có cách tiếp cận các cơ sở khoa học quốc tế đã sẵn có một cách cởi mở hơn.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin lược ghi một số chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội trong khuôn khổ Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” do Báo Pháp luật Việt Nam vừa tổ chức, tại Hà Nội.

Cơ quan quản lý vẫn chưa tiếp cận hết các nghiên cứu quốc tế về TLNN?

Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Ngọc, chính sách quản lý Nhà nước về TLNN và TLĐT đang chưa có quan điểm thống nhất, bởi một số cơ quan cho rằng còn thiếu các cơ sở khoa học đáng tin cậy để xem xét.

Thế nhưng, “cơ sở, căn cứ khoa học đáng tin cậy đấy thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa tiếp cận đến”, ông Ngọc nêu rõ.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông Ngọc đã có phần đánh giá rất chi tiết đối với Nghiên cứu Tổng quan hệ thống và Phân tích gộp do PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội và nhóm cộng sự thực hiện, vừa được công bố vào tháng 7.

Ông Ngọc cho biết: “Qua phần trình bày nghiên cứu của PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, quan điểm cá nhân tôi thấy đây là một nghiên cứu có giá trị”.

Nghiên cứu tổng hợp BS Toàn và nhóm cộng sự sàng lọc 187 nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới về độc tính của TLNN, sau đó đánh giá tổng hợp kết quả từ 10 nghiên cứu có độ tin cậy cao nhất, làm dữ liệu đầu vào.

Nghiên cứu trên so sánh mức độ độc tính giữa TLNN và thuốc lá truyền thống, thông qua những chỉ điểm sinh học về độ phơi nhiễm. Từ đó kỳ vọng khí hơi của TLNN sẽ giúp giảm thiểu phơi nhiễm với các chất gây hại, so với khói của thuốc lá truyền thống.

Đồng thời, PGS. Trần Khánh Toàn cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu xem việc “giảm phơi nhiễm” này có tác động cụ thể như thế nào đến sức khỏe của người đang sử dụng TLNN.

Sau khi lắng nghe PGS. Toàn trình bày, ông Ngọc kiến nghị: “Qua kết quả nghiên cứu của PGS Toàn, cũng như chúng tôi tiếp cận được với nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy rằng: Hiện nay nhiều nước có trình độ phát triển hoặc công nghệ cao cũng đã thực hiện các nghiên cứu độc lập để kiểm chứng những công bố về TLNN và TLĐT để đưa ra những giải pháp phù hợp. Quyết sách với TLNN, TLĐT phải dựa trên cơ sở kinh nghiệm của quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực của các cơ quan Nhà nước về vấn đề này”.

Vận dụng cơ sở khoa học làm nền tảng xây dựng chính sách

Trong Tọa đàm, ông Ngọc cũng nhắc lại kết luận tại Phiên giải trình của các Ủy ban của Quốc hội ngày 4/5 vừa qua.

“Phiên giải trình cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành”, ông Ngọc nhắc lại và cho rằng: “Từ những căn cứ khoa học đó thì chúng ta mới đưa ra được những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, những giải pháp phù hợp với quy định, là cấm hay là quản lý TLNN, TLĐT”. Căn cứ khoa học bao gồm những kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài, các tiêu chuẩn quốc gia về TLNN mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành cũng như thực tiễn về thuốc lá thế hệ mới trên thế giới và trong nước.

Ông Ngọc cho biết, ngay từ 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458 để công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm TLNN. Tiêu chuẩn này quy định về đặc tính kỹ thuật, từ đó có sự phân loại, đánh giá.

Theo ông Ngọc, “kể cả chúng ta có ban hành văn bản rồi thì việc nghiên cứu vẫn phải diễn ra để chứng minh về mức độ tác hại của TLĐT, TLNN”.

Vị Phó Vụ trưởng cũng kiến nghị: Trong điều kiện hiện nay, cần xem xét kỹ về việc đợi kết quả nghiên cứu khoa học trong nước rồi mới xây dựng quyết sách với thuốc lá mới. Ông Ngọc kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương cần thực thi nhiệm vụ được giao là có giải pháp về TLĐT và TLNN.

“Điều này cũng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các Bộ, ngành trong năm 2024, theo Công điện 47/CĐ-TTg vừa qua của Thủ tướng Chính phủ”, ông Ngọc nhấn mạnh.