Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch toàn quốc, khách quan nhưng đừng 'lãng mạn' quá

(PLO) - Từ cuối tháng 10/2018 đến hết năm 2018, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ triển khai xếp hạng hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đội ngũ HDVDL đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định thành công đối với một chương trình tour. Nguồn VTV.vn
Đội ngũ HDVDL đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định thành công đối với một chương trình tour. Nguồn VTV.vn

Chương trình có sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU), nhằm góp phần phát triển bền vững ngành Du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Nhưng liệu việc xếp hạng HDVDL có giải quyết được những vấn đề nhức nhối liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của HDVDL hiện nay hay không?

Xếp hạng HDVDL là cần thiết

Ý tưởng phân loại và xếp hạng HDVDL đã có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, bắt đầu từ năm 1950, tại Vương quốc Anh đã tiến hành phân loại và công nhận những HDVDL chuyên nghiệp, có hiểu biết chuyên sâu về các địa điểm, thành phố trong phạm vi đất nước này. Họ là những HDVDL mang Huy hiệu xanh dương (The Blue Badge Guides).

Chiếc Huy hiệu xanh dương chính là minh chứng cho sự chuyên nghiệp của họ so với HDVDL thông thường, từ kiến thức chuyên môn sâu và toàn diện, phẩm chất đạo đức tốt tới khả năng quản lý quy mô tour lớn, hoạt động trong phạm vi rộng, ví dụ trong những sự kiện tầm cỡ quốc tế như Thế vận hội Olympic. Nhiều HDVDL còn là các luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư, sử gia…

Đội ngũ HDVDL đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định thành công đối với một chương trình tour, cũng là cầu nối quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung tới du khách. Ý thức được điều này, một số doanh nghiệp lữ hành lớn ở Việt Nam từ lâu cũng đã tiến hành phân hạng HDVDL trong nội bộ doanh nghiệp để sắp xếp lịch đi tour theo từng nhóm đối tượng khách hàng.

Đây sẽ là lần đầu tiên Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện xếp hạng HDVDL trên toàn quốc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của ngành. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện cả nước có 23.055 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, trong đó có 14.428 hướng dẫn viên quốc tế và 8.412 hướng dẫn viên nội địa, 215 hướng dẫn viên tại điểm. 

Trả lời báo chí, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Việc xếp hạng HDVDL hoàn toàn tự nguyện, trước hết triển khai tại đội ngũ HDVDL thuộc Hiệp hội. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên 3 tiêu chí chính: năng lực, kiến thức và kỹ năng. Trong đó, đánh giá năng lực thông qua lý lịch nghề nghiệp (20% tổng điểm); đánh giá kiến thức thông qua bài thi kiến thức hoặc phỏng vấn (50% tổng điểm), đánh giá kỹ năng thông qua đợt thẩm định của hội đồng chuyên môn (30% tổng điểm).

Cơ cấu đề thi gồm bài qua máy tính và thi phỏng vấn, từ kiến thức nền tảng như địa lý, lịch sử văn hóa, pháp luật trong du lịch, lịch sử văn minh thế giới…; đến kiến thức chuyên ngành như: tâm lý khách du lịch, y tế du lịch, xuất cảnh hàng không và lưu trú…  

Ngoài ra, còn đánh giá thông qua nhận xét của các công ty lữ hành sau chuyến đi. Việc xếp hạng HDVDL hứa hẹn đánh giá vị trí và chất lượng đội ngũ HDVDL nhằm tạo động lực cho các HDVDL nâng cao bản thân, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành nhận diện những thế mạnh của từng HDVDL để lựa chọn mời cộng tác, ký kết hợp đồng, trả thù lao hướng dẫn. 

Nhưng đừng “lãng mạn hóa” vấn đề

Theo các chuyên gia phân tích, việc xếp hạng có thể cải thiện năng suất cá nhân và lợi nhuận, nhận diện những người làm việc hiệu quả cao. Song, một bất lợi lớn của việc xếp hạng là có thể mất tính khách quan theo thời gian. Thí sinh có thể làm tốt để đạt kết quả cao trong thi cử, nhưng sau khi đạt được xếp hạng, họ mất đi động lực cố gắng, tinh thần làm việc giảm sút, hiệu quả công việc thấp hơn.

Trên thực tế, nhiều công ty lữ hành nhận thấy, HDVDL khi đi thi vào công ty có thể nói rất tốt, thuyết trình lưu loát; nhưng khi đi hướng dẫn, phần lớn lại thiếu sự tận tâm khi truyền tải thông tin, họ lười nói, không chịu nói. Thi cử có thể là thước đo về khả năng làm nghề, nhưng khó trở thành thước đo cho phẩm chất người làm nghề.

Ngoài năng lực, kiến thức và kỹ năng, người HDVDL cần có những phẩm chất nhất định như tính cẩn thận, kiên nhẫn, đúng giờ, biết đồng cảm, khiếu hài hước, tính cởi mở, định hướng vị trí và xử lý tình huống… Trường hợp không nhiều nhưng cũng không hiếm, do HDVDL không cẩn thận nhầm giờ bay của đoàn khách, khiến phải mua vé lại toàn bộ. 

Liệu việc xếp hạng HDVDL có giải quyết được những vấn đề nhức nhối về đạo đức nghề nghiệp của HDV hiện nay? Ví như thái độ làm việc thiếu nghiêm túc, gây hấn, tranh giành tour tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, đưa du khách đến những địa điểm không có trong tour để lấy hoa hồng… Điều này đã gây ra nhiều bức xúc, khó chịu và chán nản cho du khách lẫn người trong nghề. 

Quả thực, chủ trương phân loại và xếp hạng HDVDL phù hợp với tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được tính công tâm, minh bạch và khách quan trong việc xếp hạng và thẩm định thì đây là một bài toán khó, một câu chuyện lâu dài đối với các đơn vị tổ chức và thực hiện; bởi cần có sự linh hoạt, giám sát tích cực, phối hợp kịp thời, kể cả sau khi xếp hạng; tránh tạo điều kiện cho các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử, chạy theo thành tích, không khuyến khích người không tham gia xếp hạng, phản tác dụng với mục tiêu tích cực ban đầu đề ra.