Xét xử bầu Kiên: Đề nghị triệu tập thêm cán bộ ngân hàng?

(PLO) - Tại phiên khai mạc, một số luật sư và đại diện theo ủy quyền của ACB đã đề nghị Tòa án triệu tập thêm một số cá nhân có chức danh trong Ngân hàng Công Thương (Vietinbank). Đề nghị này có hợp lý hay không?
Xét xử bầu Kiên: Đề nghị triệu tập thêm cán bộ ngân hàng?

Những đề nghị “triệu tập ” vô lý?

Áp dụng pháp luật trong vụ bầu Kiên tiếp tục "nóng" trên các diễn đàn luật sư. Trái với ý kiến của các luật sư tại phiên xử sáng nay, 16/4, một số luật sư khác lại cho rằng việc đề nghị triệu tập thêm một số cán bộ của Vietinbank là không cần thiết. "Pháp nhân khi tham gia vào bất kỳ quan hệ nào đều phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không thể trực tiếp tham gia mọi giao dịch, và họ có thể ủy quyền. Người đại diện hợp pháp của pháp nhân chính là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Điều 86.3 BLDS quy định: “Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự», một luật sư thuộc đoàn luật sư Hà Nội phân tích.
Theo luật sư này thì trong các vụ án, đa số các pháp nhân đều cử người đại diện theo ủy quyền tham gia. Theo điều 54 BLTTHS thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền như nhau. Vụ án bầu Kiên, tòa án xác định Vietinbank là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, và việc tham gia phiên tòa của Vietinbank được thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Bình luận về việc một số luật sư và đại diện theo ủy quyền của ACB đã đề nghị Tòa án triệu tập thêm một số cá nhân có chức danh trong Vietinbank, một luật sư thuộc đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: với việc đề nghị này, người đề nghị đã “đề xuất” HĐXX phải xác định tư cách tham gia tố tụng một cách trái pháp luật, bởi lẽ: các cá nhân này không tham gia với tư cách “người làm chứng”, còn với các tư cách khác, trong các giai đoạn tố tụng trước đó những cá nhân này không hề tham gia tố tụng thì không thể triệu tập họ ra tòa; nếu đề nghị triệu tập họ ra tòa theo chức danh của họ, chức danh do pháp nhân Vietinbank trao cho họ, thì vô hình chung đang xem họ là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, điều này lại trùng lặp với tư cách ra tòa của chính pháp nhân Vietinbank và nếu như vậy thì người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân Vietinbank đã hiển nhiên có trọng trách này.
Huyền Như tham gia phiên tòa xử bầu Kiên
 Huyền Như tham gia phiên tòa xử bầu Kiên

Có cần xác định lại tư cách tham gia tố tụng? 

Trong vụ án “bầu Kiên”, bầu Kiên và các “cựu lãnh đạo ACB” bị truy tố về tội danh “cố ý làm trái …”, tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử và ACB được triệu tập ra tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, ngay trong ngày đầu xét xử đại diện ACB cùng các bị cáo “làm trái” đã đồng loạt cho rằng “không có thiệt hại” (khoản 718 tỷ không có tội phạm cố ý làm trái) và yêu cầu xác định lại tư cách.
Trước đó, trong vụ Huyền Như cáo trạng truy tố Như tội danh lừa đảo và khi xét xử ACB và một số tổ chức là nguyên đơn dân sự khác cũng đã đề nghị xác định lại tư cách mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định và triệu tập ra tòa. ACB và các tổ chức này cho rằng Huyền Như không chiếm đoạt tài sản của họ (nên họ không yêu cầu Huyền Như trả tiền) mà chiếm đoạt tiền của Vietinbank và do đó Vietinbank phải trả tiền cho họ.
Theo pháp luật tố tụng, “tư cách pháp lý” của người tham gia tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng xác định theo từng giai đoạn và theo giới hạn của việc xét xử thì “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử” (Điều 196 BLTTHS). Vì vậy một số luật sư quan tâm tới "đại án" này nhận định: chiểu theo luật thì không có chuyện Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của ACB do phạm vi xét xử phải tuân theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm