TAND tỉnh Bắc Ninh hôm nay mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án “Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” do Cao Minh Thúy cầm đầu. Mặc dù đã điều tra bổ sung, nhưng việc xác định tội danh của các bị cáo vẫn chưa “chuẩn”, việc xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo cũng chưa xác đáng dẫn đến tình trạng người được bỏ lọt, kẻ kêu oan.
“Lách” vào thị trường lao động Ma Cao
Theo Cáo trạng ngày 29/4/2010 của VKSND tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2005 đến 2008, Dương Minh Thúy là Giám đốc Cty Cung ứng xuất khẩu lao động (XKLĐ) Phúc Tâm (Cty Phúc Tâm, trụ sở tại Bắc Ninh). Mặc dù Cty này không có chức năng cung ứng lao động nhưng Thúy đã câu kết với một loạt đơn vị khác đưa 11 người lao động (NLĐ) sang Ma Cao, Đài Loan trái phép rồi tổ chức cho họ ở lại nước sở tại liên hệ trực tiếp với các cá nhân bản địa để tìm việc làm.
Phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2009. |
Các đơn vị này gồm có Văn phòng tư vấn XKLĐ của Dương Thị Minh, Cty đầu tư XKLĐ Mitraco chi nhánh Hà Nội (Cty Mitraco Hà Nội, do Nguyễn Thanh Biên làm Giám đốc), Cty Xuất khẩu du lịch khách sạn Thái Bình (Cty Thái Bình, do Nguyễn Minh Châu làm Giám đốc) và Cty CP Cơ khí và XKLĐ Thừa Thiên Huế (Cty Thừa Thiên Huế, do Dương Đình Thiết làm Giám đốc).
Do không tìm được việc làm hoặc tìm việc làm không đúng như thỏa thuận, NLĐ đã về nước và trở thành bị hại của vụ án. Với hành vi đưa 11 người đi Ma Cao trái phép, Cao Minh Thúy và 6 đồng phạm bị xét xử về hành vi tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép (tội “Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, Điều 175 Bộ luật Hình sự).
Liên quan đến vụ án, còn có hai người từng bị khởi tố, bắt tạm giam là Dương Đình Thiết (Giám đốc Cty Thừa Thiên Huế, đưa bảy NLĐ đi XKLĐ trái phép) và Nguyễn Minh Châu (Giám đốc Cty Thái Bình, đưa ba NLĐ đi Ma Cao).
Tuy nhiên, Châu và Thiết đã được VKSND tỉnh Bắc Ninh miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra “do chuyển biến tình hình nên hành vi của họ không còn nguy hiểm nữa”.
Làm sao để không oan, không lọt?
Trước đó, ngày 28 - 29/11/2009, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên hoãn để điều tra bổ sung. Diễn biến của vụ án thể hiện: Thị trường lao động ở Ma Cao có đặc thù riêng, đó là đặc khu hành chính Ma Cao không ký kết hợp tác XKLĐ cấp Nhà nước với nước cung ứng lao động, mà ký kết trực tiếp giữa chủ sử dụng với NLĐ.
Lợi dụng điều này, các bị cáo “lách” luật bằng cách đưa NLĐ đi du lịch rồi câu kết với công ty môi giới lao động nước sở tại giới thiệu việc cho NLĐ và được làm thẻ cư trú hợp pháp cho họ. Bằng thủ đoạn này, 11 NLĐ trong đường dây của Thúy đều tìm được việc làm tại Ma Cao, có thẻ cư trú hợp pháp và họ đều bỏ việc về nước trước thời hạn.
Chính vì thế, các bị cáo cho rằng việc truy tố và đưa các bị cáo ra xét xử về tội danh trên là không chính xác, vì các bị cáo không tổ chức cho NLĐ ở lại nước ngoài trái phép mà là hướng dẫn họ tìm việc, ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của nước sở tại.
Hơn nữa, tất cả những NLĐ này đều có thẻ cư trú hợp pháp và về nước trong thời hạn đó thì không thể coi là ở lại nước ngoài trái phép. Công văn 5172/CV A18/P3 ngày 7/10/2008 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Tổng cục An ninh về việc cung cấp thông tin về các lao động Việt Nam (BL 85 trong hồ sơ vụ án) cũng khẳng định: “Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an không có tài liệu nào về việc những NLĐ nêu trong danh sách (bị hại trong vụ án- PV) bị phía nước ngoài trục xuất về Việt Nam”.
Quá trình điều tra vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thủy một mực kêu oan. Thực tế, vai trò Thủy chỉ là thứ yếu vì Thủy là nhân viên dưới quyền, hoàn toàn làm theo chỉ đạo của Biên mà không biết “thương vụ” làm ăn giữa Biên và Thúy. Tất cả những hành vi của Thúy lại diễn ra sau khi Biên đã ra quyết định hủy cơ sở liên kết đào tạo giữa Cty Phúc Tâm và Mitraco. Mặc dù phía Mitraco không thu tiền của NLĐ và cũng chưa nhận tiền hoa hồng từ Thúy nhưng khi xảy ra hậu quả thì Mitraco đã tự nguyện bỏ tiền ra bồi thường cho NLĐ.
Như vậy, việc cáo buộc Thủy đồng phạm là chưa chuẩn xác, lẽ ra Thủy chỉ là người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Mặt khác, nếu so sánh vai trò của Thủy với Dương Đình Thiết và Nguyễn Minh Châu thấy rằng: Châu và Thiết là người trực tiếp bàn bạc thống nhất với Thúy việc ăn chia, đưa người đi XKLĐ trái phép, thậm chí họ là người trực tiếp ký hợp đồng với NLĐ và thân chinh dẫn dắt họ sang nước sở tại tìm việc làm nhưng vẫn được miễn trách nhiệm hình sự, được xác định là “người liên quan”, thì việc Nguyễn Thị Thủy kêu oan là có hoàn toàn cơ sở để xem xét.
Dư luận và các bị cáo, bị hại đang chờ đợi một phán quyết công tâm, khách quan của TAND tỉnh Bắc Ninh về vụ án này.
Trần Nguyên