Xin đừng... quỳ gối!

(PLO) - Giữa tháng ba có ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam này, một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Rồi 4 phụ huynh có con bị phạt đã kéo tới trường lớn tiếng phản ánh, gây áp lực cho dù cô giáo đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, hứa khắc phục sai sót. Và cuối cùng, giáo viên phải quỳ xuống để xin lỗi họ. Điều gì đang xảy ra bởi những sự việc chưa từng có tiền lệ này?
Hãy để các em được lớn lên trong lành. Ảnh minh họa
Hãy để các em được lớn lên trong lành. Ảnh minh họa

Thời của “hoàng tử, công chúa” tới trường

Theo ông Phạm Hữu Vốn, Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh trường cho biết, người buộc cô giáo phải quỳ suốt 40 phút là ông Võ Hòa Thuận, thư ký Hội Luật gia của một huyện thuộc tỉnh Long An. Trước đây ông Thuận là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Thủ Thừa và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.Theo lời kể của cô giáo N., ông Thuận một mực nói nếu cô quỳ gối thì mới cho qua, bằng không thì sẽ vận động tất cả các phụ huynh trong lớp phản đối cô giáo. Trước áp lực này, cô giáo đành quỳ để qua chuyện. Sau khi cô giáo quỳ, những người trong cuộc mới nói “được rồi”. Được biết, cô giáo N. là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp huyện, mới chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Bình Chánh chưa lâu và vừa đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản.

Sự việc này đã gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Dù có thể khẳng định, hành xử của giáo viên và phụ huynh đều sai. Đáng lẽ sự việc nên được kết thúc khi cô giáo đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi. Cô giáo sai đến đâu đã có pháp luật, nhà trường xử lý, chứ các phụ huynh không thể thay mặt luật pháp để “xử” cô giáo theo kiểu “luật rừng” như vậy được. Bởi cô giáo có nhiều cách để dạy bảo học trò. Phụ huynh thì cần bình tĩnh, hành xử chuẩn mực tìm ra giải pháp để cùng phối hợp dạy dỗ con trẻ chứ không phải là sự đáp trả hạ nhục như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như thế hệ 7x, 8x và trước nữa, ai cũng nhớ những học sinh cá biệt, nghịch ngợm trong lớp thường phải chịu những hình phạt khá khắt khe, bị ăn vọt, véo tai… là chuyện bình thường. Nhưng hiếm khi có chuyện cha mẹ học sinh kéo đến trường để làm ầm ĩ lên. Bởi ai cũng hiểu, con mình chắc chắn phải có lỗi, phải hư thì mới bị thầy cô xử phạt. Còn các cô, cậu học trò dù bị ăn phạt nhưng không dám “mách” bố mẹ vì sợ sẽ lại bị ăn đòn.

Tất nhiên, nhìn những bạn bị chịu phạt ai cũng sợ, cũng thương, thế nhưng nhiều người trong số ấy đã trở thành những người có ích, sau này họ quay lại trường cảm ơn thầy cô, bởi họ nói rằng nếu thầy cô không nghiêm khắc như vậy chắc chắn họ đã thành kẻ bỏ đi rồi. Và cũng không thể phủ nhận, sự nghiêm khắc của thầy cô thuở ấy đúng nghĩa là “thương cho roi, cho vọt” bởi những hành xử ấy luôn là tấm lòng của thầy cô mong muốn học sinh mình trưởng thành hơn mà thôi. Phía sau đó là rất nhiều bài học làm người, chứ không chỉ giản đơn là truyền thụ kiến thức… 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, nhìn đi thì có nhìn lại, trước khi chúng ta có cái nhìn khắt khe với thầy cô thì cũng nên hiểu trẻ con thời nay dạy không hề dễ.

Anh Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ: “Không ít cha mẹ thời nay hầu hết thuộc thế hệ mới giàu, mới tạm thoát đồng ruộng nhưng vẫn còn ít nhiều văn hoá nông thôn, coi con mình là trời, nuông chiều quá đáng rồi thả đấy cho nhà trường gánh hết, lo lao vào việc kiếm tiền, ăn chơi nhậu nhẹt và đủ các việc trên đời để họ tìm vui. Có gì thì đến nhà thầy cô đưa cái phong bì và nghĩ rằng mọi thứ sẽ được tiền giải quyết. Đồng tiền sẽ khiến người ta đòi hỏi một dịch vụ giáo dục tốt. Điều này cũng là bình thường đối với thị trường. Nhưng nhân cách con người thì không đồng nghĩa với thị trường đâu khi mà các vị còn chưa sòng phẳng với con cái mình và với việc giáo dục con cái mình.

Các vị cần dạy con trước khi đưa nó đến trường, và các vị là người dạy chính, chứ không phải các thầy cô. Chứ chẳng thể ở nhà biến con mình thành những ông trời con, chiều tới cái cọng tóc và đến trường cũng bắt thầy cô phải đội những ông trời ấy lên thiên đình. Tôi hoàn toàn chia sẻ với không ít các thầy cô giáo ngày hôm nay, không chỉ phải dạy mà phải chịu đựng các ông trời con lẫn cha mẹ ông trời con ấy. Chưa kể, phụ huynh nào cũng cầm lăm lăm cái điện thoại kiểu tung hết lên mạng cho mất việc, cho cả thế giới này vào rỉa rói, cấu cắn cho biết mặt. Thế nên cô bạn giáo viên của tôi có lần tâm sự, đi dạy bây giờ không chỉ yêu chiều học sinh mà còn cả nhịn nhục nữa”.

Từ bao giờ nhà trường không còn là thánh đường?

Đành rằng, những sự việc giáo viên có những  hành vi phản cảm với trò thời gian gần đây không còn là chuyện hi hữu. Có rất nhiều clip được tung lên mạng internet khiến dư luận bất bình về cách hành xử thô bạo của giáo viên đối với học sinh, trong đó  có nhiều giáo viên đã bị xử lý bằng các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. 

Quay trở lại sự việc đau lòng cô giáo phải quỳ để xin lỗi, dù có thể khẳng định, việc cô giáo bắt học sinh phạm lỗi quỳ trong trường không phải hành động phù hợp với quy định của ngành Giáo dục cũng như Luật Trẻ em. Còn việc buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi chính là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo và là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, có ý kiến cho rằng chỉ nghĩ đến hình ảnh quỳ gối trong môi trường sư phạm, thì hẳn tất cả mọi người, kể cả những người có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng đều cho rằng đó là việc học trò sẽ quỳ gối để xin lỗi thầy cô giáo hoặc vì vi phạm kỷ luật nên bị thầy cô phạt quỳ để cho nhớ, chứ không thể có chuyện cô giáo phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh!

Và đau lòng hơn cả, là cô giáo trẻ đã chấp nhận quỳ gối trong suốt 40 phút. Có thể cô còn tương lai, còn con nhỏ, còn gia đình phải lo toan; nhưng là người thầy, bạn nhất định phải không vì bất cứ lý do nào để quỳ gối cho một sự việc không đáng như vậy! Xin lỗi, nhận lỗi và nhận kỷ luật của cơ quan là đủ, không bao giờ nên quỳ gối nếu động cơ của bạn là trong sáng, nếu bạn không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức người thầy. Không làm cô giáo, mất việc không phải là thảm họa, quỳ gối mới là thảm họa.

Và qua sự việc này, tất cả đều là giọt nước tràn ly cho những vô cảm và phản cảm trong xã hội. Khi nhà trường không còn là thánh đường, ở đó thầy cô không chỉ là những người thầy giỏi, mà còn là những độ lượng, bao dung và cần rất nhiều tới kĩ năng sư phạm! Phạt học sinh không thể bắt các em phải quỳ! Khi một đứa trẻ bị phạt quỳ, và rồi chứng kiến cô giáo cũng bị hạ nhục phải quỳ để xin lỗi cha mẹ mình, đó sẽ là tổn thương mãi mãi không phai mờ suốt cuộc đời con người sau này! Trong nhà trường, cũng như gia đình, không gì khác, đứa trẻ phải được định hướng bởi những yêu thương và trong lành, không phải là kiến thức, những con số vô cảm! 

Thầy Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội bày tỏ: “Không thể chấp nhận được việc ép giáo viên phải xin lỗi bằng hình thức quỳ gối! Điều này vừa trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc vừa xúc phạm danh dự nghề nghiệp của nhà giáo. Giáo viên sai, có thể xin lỗi công khai, chân thành tới học sinh và phụ huynh là điều tất yếu phải làm trong câu chuyện cụ thể này, nhưng nếu dùng một hành vi sai trái để “chuộc lỗi” thì sự việc vốn đã sai lại càng trở nên nghiêm trọng hơn”.

Theo ông Đặng Đình Đại, ngăn chặn những hành vi xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của nhà giáo cũng chính là để bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo, bảo vệ vị thế của người thầy trong xã hội. Bởi nếu ngành Giáo dục không có động thái quyết liệt trong những vụ việc như thế này thì còn không ít giáo viên sẽ phải “quỳ gối”, học sinh sẽ không còn tôn trọng người thầy của mình. Hơn nữa, lãnh đạo nhà trường phải cương quyết hơn và thể hiện vai trò làm người hòa giải, người “cầm cân nảy mực” khi có mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh chứ không thể để người thầy bị đơn độc trên bục giảng.

Đọc thêm