Tại buổi xin lỗi, ông Danh Huệ (Viện phó VKSND Biên Hòa) thẳng thắn nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến ông Phú cùng gia đình vì sự việc sai sót nghiêm trọng này.
"Những khoản bồi thường về vật chất và tinh thần của chúng tôi không thể bù đắp được những thiệt hại mà ông Phú và gia đình. Sự việc xảy ra không ai mong muốn. Chúng tôi xin thừa nhận sai sót, khuyết điểm này..., mong ông và gia đình nhận lời xin lỗi chân tình từ chúng tôi"- ông Huệ thay mặt VKS Biên Hòa phát biểu.
Cũng theo Viện phó VKSND Biên Hòa), ngay sau buổi xin lỗi sẽ đăng báo cải chính và làm các thủ tục bồi thường cho ông Phú.
Nhắc lại quãng thời gian bị oan sai, ông Phú giọng đầy căng thẳng cho biết, để được giải oan và có buổi xin lỗi như hôm nay, ông rất cảm ơn sự chia sẻ của gia đình, vợ con, đồng nghiệp và những người đã giúp đỡ, động viên ông trong suốt thời gian bị giam và đi kêu oan của mình.
Cũng theo ông Phú, kết quả giải mã, phân tích hộp đen của các cơ quan chức năng và lãnh đạo Xí nghiệp đường sắt đều có chung nhận định ban lái tàu không có lỗi. Ngược lại, nhờ sự tỉnh táo của đội lái tàu trong việc xử lý đã góp phần giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn. Vậy mà ông và đồng nghiệp không được ghi nhận, lại bị giam và truy tố oan sai suốt nhiều năm trời.
“Biết chúng tôi bị oan sai, nhiều cơ quan quan liên quan đã gửi vô số công văn, đặc biệt là của cơ quan tố tụng cấp cao chỉ đạo nhưng đều bị lãng quên. Cho đến khi tân Viện trưởng VKSND Đồng Nai tiếp nhận, mới giải quyết cho tôi… Tôi và gia đình đã trải qua biết bao gian nan, khó khăn về vật chất, sức khỏe, danh dự bị vùi lấp. Đẩy tôi và gia đình vào tột cùng thất vọng, khổ đau. Nguyên nhân dẫn đến sự oan nghiệt này là do sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của Công an, VKS xử lý vụ việc…"- ông Phú bức xúc và đề nghị VKSND tỉnh Đồng Nai có hình thức xử lý những người đã gây oan cho mình.
Trước đó vào tối 6/2/2011, lái chính Nguyễn Văn Túy và ông Phú điều khiển tàu SE2 từ TP.HCM đi Bình Thuận. Đến gần cầu Ghềnh, thấy đèn tín hiệu cho phép nên họ cho tàu chạy qua. Tuy nhiên, ông Tuý phát hiện có ôtô kẹt trong cầu, dù hãm phanh khẩn cấp nhưng không kịp. Vụ tai nạn làm hai người chết và 22 người bị thương. Qua quá trình xác mình, nhà chức trách đã bắt giữ 8 người liên quan. Ông Phú và lái chính tàu bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.
Sau hơn 9 tháng bị giam, cả lái chính lẫn ông Phú được tại ngoại. Đến tháng 2/2015, VKSND TP Biên Hòa miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Phú và đồng nghiệp với lý do "chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội".
Cho rằng mình bị oan nên ông Phú và ông Túy kêu oan khắp nơi. Đến ngày tháng 4/2016, VKSND TP Biên Hòa có quyết định đình chỉ vụ án vì họ "không có hành vi phạm tội".
Sau đó ông Phú khởi kiện VKSND TP Biên Hoà đòi hơn 1,7 tỷ đồng tiền tổn thất tinh thần, mất thu nhập, thiệt hại thực tế… Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phú được tòa chấp nhận khởi kiện và tuyên buộc VKSND Biên Hòa bồi thường 350 triệu đồng. Không đồng ý, ông Phú tiếp tục kháng cáo và được cấp phúc thẩm chấp nhận, tăng lên hơn 500 triệu đồng.
Về phần lái chính là ông Túy cũng đã được VKSND Biên Hòa tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường 322 triệu đồng cách đây 1 tháng.
Như vậy, trong vụ án oan sai này, VKSND thành phố Biên Hòa đã phải bồi thường hơn 800 triệu đồng cho hai lái tàu.