Đề xuất xóa 26.500 tỷ đồng tiền thuế Bộ Tài chính cho biết, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan do cơ quan thuế và cơ quan Hải quan quản lý khoảng 35.347 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,75% tổng số thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần 44,9% tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 là 78.619 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đến ngày 31/12/2017 do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2.108 tỷ đồng (tương ứng 2,8%) so với 31/12/2016; do ngành Hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thời điểm 31/12/2016.
Trong số 73.145 tỷ đồng do ngành thuế quản lý thì: Tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ (các khoản nợ thuế, phí là 18.120 tỷ đồng; Các khoản nợ liên quan về đất là 7.882 tỷ đồng): Tiền phạt và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng số tiền thuế nợ; Tiền thuế nợ của người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, chiếm khoảng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017. Trong đó các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm (trước ngày 01/7/2007 Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành) là 7.500 tỷ đồng.
Trong số 5.474 tỷ đồng do ngành Hải quan quản lý thì: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.305 tỷ đồng; Tiền thuế nợ chờ xử lý là 291,13 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không có khả năng thu là 3.878 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% tổng nợ của toàn ngành Hải quan quản lý.
Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất xử lý xóa nợ với tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nợ tiền chậm nộp do những nguyên nhân khách quan tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng; Số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa do NNT thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2017 là 24.302 tỷ đồng, trong đó của NNT là DN, tổ chức khoảng 22.299 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là 2.003 tỷ đồng.
3 nguyên tắc khoanh nợ, xóa nợ
Tại Dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với NNT nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) quá 01 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đã thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD. Theo lý giải của Bộ Tài chính, đề xuất này là để tránh tình trạng số tiền chậm nộp thuế không có khả năng thu hồi không ngừng tăng lên, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian, nhân lực để theo dõi tiền chậm nộp thuế đối với các khoản nợ không có khả năng thu, không còn đối tượng để thu, của NNT đã chấm dứt hoạt động SXKD, cơ quan ĐKKD đã thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD.
Xuất phát từ thực tế đó, Dự thảo Nghị quyết quán triệt 3 nguyên tắc: 1. Xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; 2. Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động SXKD, thực tế không còn hoạt động SXKD trước ngày 01/01/2017 và không còn tài sản (các tài khoản ở các ngân hàng, các tài sản máy móc thiết bị, tài sản khác,...) khoanh nợ không tính tiền chậm nộp thuế từ ngày 01/01/2018 đối với NNT nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động SXKD quá 01 năm, cơ quan ĐKKD đã thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD; 3. Việc tổ chức thực hiện xóa nợ, khoanh nợ nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành là từ ngày Nghị quyết được ban hành và đề nghị trình Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện xóa nợ và báo cáo Quốc hội sau 02 năm ban hành Nghị quyết.