“Choáng” vì màu sơn sau khi trùng tu
Bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong còn gọi là Bia Quốc Học được xây dựng và đưa vào khánh thành vào năm 1920 dưới thời vua Khải Định để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt đã tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
Sau gần 100 năm hiện công trình này đã xuống cấp và hư hỏng, trước tình hình đó, tháng 11/2016, UBND TP. Huế quyết định trùng tu Bia Quốc Học và giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư.
Theo đó, Phần nền móng ở khu vực đài sẽ được tháo dỡ gạch bị nứt gãy, lớp gạch lát bị hư hỏng, lớp vữa láng bậc cấp, đào đất nền móng bị sút lún để gia cường móng. Ngoài ra, sẽ gia cường móng, xây bù gạch chỉ, bơm vữa vào các khe nứt và phần tiếp giáp móng gạch với bê tông.
Riêng bia sẽ được bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp bị hư hỏng, tháo gạch men trang trí, đục phần gạch mủn mục, nứt gãy; tô trát lớp vữa bị bong tróc bằng vữa tam hợp; lợp lại ngói ống men trong đó có tận dụng ngói cũ 30%; tu bổ các họa tiết trang trí, bổ sung hoa văn trang trí bị hư hỏng.
Phần lan can, trụ biểu, bến thuyền, trụ lan can cổng vào cũng được bóc lớp vữa bong rộp, đục phần gạch bị mủn mục, nứt gãy để xây tu bổ và gia cường, gắn lại ngói dương men, trang trí họa tiết, sành sứ… Ngoài ra, dự án còn làm lại hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật ở mái, tường bia, trụ biểu với 67 bóng. Toàn bộ công trình được đầu tư với kinh phí khoảng 700 triệu đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2017.
Màu sơn của công trình sau trùng tu |
Ngày 11/1, theo ghi nhận của PV báo PLVN hiện công trình này vẫn đang được các đơn vị thi công thực hiện các công đoạn còn lại. Sau một thời gian trùng tu hiện công trình này đang được sơn lên một màu vàng hoàn toàn lạ lẫm với người dân, không còn nét cổ kính như trước đây.
Nhiều người dân ở TP. Huế cho biết, ngoài khiến bia Quốc học có màu sắc lòe loẹt, việc trùng tu cũng đã làm biến dạng công trình này. Cụ thể, đơn vị thực hiện trùng tu đã cạo hết những hoa văn trang trí vốn được làm rất tinh tế trên bia.
Ông Lê Văn Quảng - PGĐ Phân viện Khoa học – Công nghệ miền Trung, đơn vị phụ trách Tư vấn thiết kế cho biết, việc trùng tu được tiến hành dựa trên nguyên bản của các chi tiết trong công trình.
Việc sơn lại cho công trình này cũng được tiến hành trên cơ sở đó. Khi được hỏi về sự lạ lẫm của màu sơn thì ông Quảng cho hay, màu sơn và các vật liệu xây dựng khác được dùng bằng nguyên vật liệu truyền thống, sở dĩ màu sơn lạ lẫm là vì do mới sơn.
“Màu nó mới vì là mới làm, mới phục hồi thì không có cách gì làm cho nó cũ được, nhưng một thời gian sau thì nó sẽ trầm lại màu và không mới nữa”, ông Quảng nói.
Bia Quốc học không thể có màu vàng khè
Đó là ý kiến của TS Trần Đình Hằng- Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Ông Hằng cho rằng, màu hiện tại của Bia Quốc Học giống như “màu cải lương, tuồng chèo”, nhìn rất chói mắt.
Theo ông Hằng, bất kể trước đây màu sắc của bia Quốc học là màu gì thì cũng không thể là màu vàng khè như hiện tại.
Hình tượng con Nghê sau khi trùng tu |
Ông Hằng cho rằng, vấn đề nghiêm trọng ở đây chưa phải là màu sắc lòe loẹt mà là việc người ta đã cạo sạch những hoa văn trang trí trên công trình. Ông Hằng nói, giá trị nhất của công trình này là thống hoa văn trang trí có tính biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt, cụ thể là Huế, mà họa sĩ đã lấy tinh thần từ bình phong Huế, kiến trúc Huế để đưa vào.
“Bây giờ họ muốn làm cho khỏe, họ cạo hết, nạo hết, làm phẳng hết. Họ cạo đi cái đó mới là cái nguy hiểm. Hoa văn trang trí nó tinh tế như vậy mà bị cạo sạch”- ông Hằng bày tỏ. Ông Hằng cho biết thêm, các cơ quan liên quan đã dựa vào lý do công trình này chưa được công nhận di tích để làm việc tùy tiện. “Đầu tư tiền tỷ để làm việc đó là vô bổ. Chỉ cần dùng tiền đó xử lý, gia cố cái móng cho nó chắc để không sập là được rồi”- ông Hằng cho hay.