Xót xa nghệ sĩ xiếc “sống mòn”

(PLO) - Nghề diễn viên xiếc là một trong những nghề được xếp vào nhóm nguy hiểm nhất bởi tỷ lệ tai nạn xảy ra rất cao. 95% nghệ sỹ xiếc khi đến tuổi về hưu đều phải trải qua chấn thương, không nặng thì nhẹ. 
Nghệ sĩ Trường Thành (trái) đã bị đột quỵ khi đang diễn tiết mục hài.
Nghệ sĩ Trường Thành (trái) đã bị đột quỵ khi đang diễn tiết mục hài.

Công việc của họ như đánh đu với mạng sống, với số phận của chính mình. Làm việc ở môi trường nguy hiểm là vậy nhưng nghiệt ngã thay, thu nhập cho họ lại thuộc vào hàng “bèo” nhất trong giới nghệ sĩ. Họ chật vật sống để nuôi niềm đam mê với nghề.

Đánh đu với mạng sống của mình

Theo nghiên cứu về “Phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp cho các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực xiếc, múa và điện ảnh” nhóm nghiên cứu thống kê được tần suất TNLĐ trong một năm mà các nghệ sỹ xiếc gặp phải đã lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ TNLĐ trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Những động tác nhào lộn, đu dây trên cao, hoặc quay tròn nhiều vòng trên không trung vốn rất nguy hiểm. Chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ trong quá trình luyện tập hay biểu diễn sẽ khiến người diễn viên có thể gặp rủi ro, tai nạn bất cứ lúc nào.

Trong chuyến lưu diễn 29/9 vừa qua của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), nghệ sĩ xiếc Nguyễn Trường Thành đã qua đời khi đang trình diễn tiết mục hề gõ bát trên sân khấu. Do đang diễn tiết mục hề nên khi thấy mọi người khiêng NSƯT Nguyễn Trường Thành ra, khán giả vẫn nghĩ là đang diễn. Sau đó, các bác sĩ đã dùng đủ mọi cách để cứu chữa như hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện… nhưng anh không qua khỏi do một cơn nhồi máu cơ tim.

Sinh vì nghiệp, tai nạn về nghiệp, tử cũng vì nghiệp. Công chúng còn nhớ nữ nghệ sĩ xiếc phải ngồi xe lăn vì tai nạn nghề nghiệp. Đó là nghệ sĩ xiếc Ngô Thị Tuyết Hoàn, Phó Trưởng Đoàn xiếc 2 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tuyết Hoàn là một nghệ sĩ thành công ở tuổi đời khá trẻ, khi mới kết hôn được vài tháng, trong quá trình tập luyện một chương trình mới để ra mắt công chúng thì chị bị tai nạn thương tâm. Vụ tai nạn đó tuy không cướp đi sinh mạng của chị nhưng lại cướp đi đôi chân lành lặn, gắn bó cuộc đời với xe lăn. 

Tiết mục “Cô hàng giải khát” của NSND Tâm Chính nổi tiếng bởi sự nguy hiểm của nó. Nghệ sĩ biểu diễn tiết mục này phải đứng lên 6 tầng cốc thủy tinh. Một lần cả đống cốc thủy tinh đó bị vỡ và cơ thể nghệ sĩ bị rách rất nhiều chỗ.

Nguyễn Lan Hương, diễn viên thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam trong lúc đang đu dây thì bất ngờ bị đứt khóa an toàn, vậy là ngã cắm đầu xuống đất. Khi bị ngã xuống, chị chỉ kịp lấy tay che mặt. Hậu quả, chị bị gãy tay, gãy mất hai răng cửa và bị bất tỉnh, phải nghỉ ở nhà ba tháng để hồi phục lại sức khỏe. Ba tháng sau, chị quyết định quay trở lại với nghề, nhưng do tay bị gãy, phải đóng đinh vào xương nên chị chỉ tập được vài động tác nhẹ.

Nghệ sĩ Văn Tạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi đang biểu diễn tiết mục thì do sơ ý bị ngã từ trên cao xuống, tuy phía dưới đã có lưới bảo vệ nhưng anh vẫn bị chấn thương rất nặng. Tai nạn nghề nghiệp đó đã khiến anh bị gãy ngón tay, gãy đốt sống cổ, từ đó anh phải giã từ sân khấu.

Các nghệ sĩ xiếc khác, trên cơ thể của họ có không biết bao nhiêu vết thương, vết mới chồng vết cũ. Nghệ sĩ Vũ Ngoạn Hợp đã có 7 lần bó bột khắp cơ thể và không đếm xuể những chấn thương khác. Tai nạn nghề nghiệp không chừa một ai, bất kể ngành nghề nào, nhưng có lẽ xiếc là trường hợp đặc biệt nhất. 95% nghệ sỹ xiếc khi đến tuổi về hưu đều phải trải qua chấn thương, không nặng thì nhẹ. Công việc của họ như đánh đu với mạng sống, với số phận của chính mình.

Và chật vật sống

Làm việc ở môi trường nguy hiểm là vậy nhưng nghiệt ngã thay, thu nhập của nghệ sĩ xiếc lại thuộc vào hàng “bèo” nhất trong giới nghệ sĩ. 

Nếu như hình ảnh các ca sĩ, người mẫu, diễn viên khoác lên mình chiếc áo hàng hiệu, ô tô tiền tỉ thì nghệ sĩ xiếc dường như lại đối lập. NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ hết sức chân tình rằng mức lương trung bình của nghệ sĩ trẻ chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng. Tiền bồi dưỡng một buổi biểu diễn chỉ khoảng 200 ngàn đồng và mỗi tháng diễn được tám buổi đã là hạnh phúc. Thu nhập như vậy, nghệ sĩ xiếc chỉ ở mức tằn tiện chứ nói gì tới việc tậu nhà lầu, xe hơi. 

Dễ hiểu khi hầu hết các anh em nghệ sĩ xiếc ở trong khu tập thể của Liên đoàn cũ kỹ ở ngay bên cạnh rạp để giảm chi phí sinh hoạt. Dãy nhà ấy cấp 4 lụp xụp, mỗi phòng có 4 chiếc giường đơn, 4 chiếc tủ cá nhân, xập xệ. Họ dè xẻn từng đồng để sống, cuộc sống cơ cực. Số ít còn lại thì ra “ở riêng” tại phòng trọ bình dân chật chội. Chẳng nói đâu xa, nghệ sĩ xiếc Tuyết Hoàn đang chật vật sống với đồng lương hơn 3 triệu đồng của người chồng cũng là nghệ sĩ xiếc. Mới đây, chị được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tạo điều kiện làm công tác giảng dạy cho lớp diễn viên trẻ, vừa để chị thực hiện ước mơ còn dang dở khi tiếp tục truyền thụ những kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ vừa tạo điều kiện cho chị kiếm thêm đôi, ba triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng nghệ sĩ xiếc “sống mòn” với tổng lương vài triệu đồng trong khi bệnh tật bủa vây khiến nhiều người xót xa.

Theo nghiệp đánh đổi bằng nước  mắt thậm chí cả mạng sống, nhưng đổi lại cuộc sống đầy chật vật với những mưu sinh thường nhật. Xót xa thay cho thân phận đời nghệ sĩ xiếc!