Những câu “giá như” đẫm nước mắt
Trước khi kể về ước mơ của những cụ già, cũng cần phải nói thêm rằng, để hướng tới nhóm phụ nữ yếu thế, trong đó có người già, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức thông qua phương pháp tiếp cận nhân học và photovoice (trao máy ảnh cho nhân vật) để kể lại những câu chuyện của tuổi già. Những ước mơ của các cụ già hiện lên cùng dáng vẻ đã bị thời gian bào mòn khiến nhiều người giật mình thảng thốt.
Cụ ông Nguyễn Văn Thanh, 66 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội nói về ước mơ xuất phát từ hai chữ “giá như” của mình: “Tôi không có vợ con, sống với anh trai. Thời trẻ tôi thuộc tuýp người kỹ tính, tiêu chuẩn chọn vợ phải “công, dung, ngôn, hạnh” thành ra đến cuối đời vẫn ở vậy. Ngày trẻ công việc cuốn đi không suy nghĩ gì, nay thấy buồn, chỉ thèm một mái nhà riêng, vợ con sum vầy nhưng đã quá muộn…”.
Rất nhiều người trẻ nghĩ rằng người già chỉ muốn ở nhà quanh quẩn ra vào xem ti vi, nhưng họ đã nhầm bởi đâu chỉ tuổi trẻ mới có ước mơ, hoài bão. Bà Phạm Thị Thi, 74 tuổi, Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm nắn nót viết lên tấm bìa ước mơ dịch chuyển của mình “Tôi muốn được có một chuyến du lịch nước ngoài”.
Và còn rất nhiều ước mơ khác nữa, tuy giản dị, khiêm nhường nhưng thật xúc động như: Tôi ước được về quê đón một cái Tết cuối đời; Tôi ước có người bầu bạn để tâm tình, trò chuyện; Tôi ước được về nơi chôn nhau cắt rốn sau khi qua đời… Chủ nhân của ước mơ “có bầu bạn để tâm tình, trò chuyện” đã đánh bạn với một con cún tại trung tâm dưỡng lão để vơi đi ngày tháng cô đơn tuổi già.
Tất yếu hay bất hiếu?
Đó là câu hỏi mà ngày càng nhiều người trong chúng ta đặt ra khi mỗi ngày cuộc sống bận rộn mưu sinh học hành kéo các thành viên gia đình ra khỏi nhà từ sáng sớm để lại người già cô quạnh với bốn bức tường. Đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão để được họ chăm sóc, được trò chuyện không phải là sự bất hiếu mà tất yếu. Nhưng vẫn còn đó những dằn vặt, trăn trở vì “một mẹ nuôi được mười con, mà mười con không nuôi nổi một mẹ”.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão. Cứ nghĩ để các cụ ở trong đấy dù đầy đủ thì vẫn thương lắm. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình không có thời gian, đến bữa cơm tối cho cả nhà cũng khó. Vì vậy, họ lựa chọn đưa bố mẹ vào trung tâm và thăm hỏi thường xuyên thì vẫn còn có trách nhiệm. Con cái đã không coi bố mẹ ra gì rồi cũng chẳng đưa bố mẹ vào trung tâm vì sợ tốn tiền, như vậy mới là bất hiếu” - chị Lê Thanh Thúy, 32 tuổi ở Lò Đúc, Hà Nội chia sẻ.
“Mẹ vợ tôi 90 tuổi, 12 con, 4 người ở nước ngoài, 2 người đã mất trong đó có vợ tôi. Con cháu đều bận nên đã đưa cụ vào trung tâm. Khi quyết định việc này chúng tôi phải vượt qua dư luận” - ông Lê Chí Thành, con rể cụ Nguyễn Thị Hải tâm sự.
Đưa người già vào viện dưỡng lão là điều tất yếu ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên lựa chọn này còn khá khó khăn với nhiều gia đình Việt Nam. Sợ mang tiếng bạc đãi bố mẹ, nhiều gia đình không dám bước qua định kiến ấy, trong khi bản thân không ít người già lại mong muốn được sống trong viện dưỡng lão.
“Tôi có hai con trai nhưng tôi sẽ viết di chúc để sau này chúng nó khỏi mang tiếng là không nuôi bố mẹ” - bà Quản Thị Thu Nguyệt người phụ nữ chưa quá già nhưng đã biết lo xa đến giai đoạn lẫn, sợ gây căng thẳng cho con cái và nghĩ tới giải pháp sẽ vào viện dưỡng lão.
“Lúc mới vào đây, tôi không đi lại được. Nhờ sự chăm sóc tận tình của nhân viên trung tâm cùng với cái xe đỡ, tôi đã phục hồi. Ở đây tôi còn được gặp bà Liệu, một người bạn tri kỷ. Chúng tôi rất hiểu nhau, coi nhau như anh em. Bà ấy chăm sóc tôi chu đáo lắm. Năm nay tôi 81 tuổi, đến cuối đời mà được như thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi”- ông Bùi Thế Năng, 81 tuổi, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Trong số các cụ già được lựa chọn, có người nổi tiếng là NSND Trần Phương. Niềm tự hào của ông là các cháu “học cao hiểu rộng” cho nên nhiều khi thấy lúng túng khi ở bên cạnh con cháu. Vì thế, ông đã chọn viện dưỡng lão như là nơi cuộc sống mới bắt đầu. Chính viện dưỡng lão đã đưa ông gặp lại người bạn, diễn viên Tuệ Minh…