Trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020) của TP Hà Nội, đầu năm 2018, TP Hà Nội cho trồng 100 gốc cây phong lá đỏ tại tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, với kỳ vọng sẽ mang lại cho Thủ đô diện mạo mới.
Trong 2 năm đầu, hàng cây phong lá đỏ vẫn sinh trưởng và phát triển khá ổn định. Tuy nhiên, sau đó, cây gặp phải tình trạng lá không thể chuyển được sang màu đỏ.
Đến nay, nhiều cây phong lá đỏ dọc 2 tuyến đường này đang trong tình trạng trơ trụi lá, vỏ cây nứt toác, chết khô…
Nhiều người dân sống tại khu vực cho biết, hàng cây phong lá đỏ được trồng đã 3 năm mà dường như không thể phát triển được nữa, nhiều cây đã bị héo úa, chết khô, trông rất mất mỹ quan đô thị.
Phần ngọn của một số cây phong lá đỏ dường như đã bị khô héo, mục nát, gãy cành…
Trước đó, nhiều cây phong lá đỏ chết khô trên đường Trần Duy Hưng đã được đánh chuyển sang khu vực khác.
Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện tượng cây phong lá đỏ trồng tại Hà Nội bị trụi lá, khô héo, cá biệt một số cây chết khô là hiện tượng không hiếm và mới. Bởi năm nào hàng cây phong lá đỏ vào mùa đông cũng có hiện tượng này.
Tuy nhiên, cũng cần phải có sự chăm sóc đặc biệt, bởi sự khác biệt khí hậu là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây phong lá đỏ.
Theo quan sát, hiện nay có khoảng trên 10 cây phong lá đỏ đã bị chết khô.
Đơn vị phụ trách là Công ty Công viên cây xanh Hà Nội vẫn đang theo dõi thường xuyên hàng cây phong lá đỏ.
Trước đó, tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị" tháng 1/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với sự phát triển của ngành Công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng ôn đới có thể trồng được ở Việt Nam.
Tuy nhiên, giấc mơ mang lại cho Thủ đô một diện mạo mới với loạt cây phong lá đỏ có lẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.