Xu hướng chọn nghề qua lăng kính điểm chuẩn đại học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến thời điểm này các trường đại học (ĐH) đều đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Qua đó có thể thấy điểm chuẩn các ngành đều tăng, cao nhất hiện thuộc về khối ngành Sư phạm...
Ngành Sư phạm được thí sinh quan tâm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí. (Ảnh minh họa: PLVN)
Ngành Sư phạm được thí sinh quan tâm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí. (Ảnh minh họa: PLVN)

Điểm chuẩn khối C nhiều ngành trên 28 điểm

Theo công bố của các trường, những ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay phải kể đến là nhóm ngành Sư phạm, Báo chí, Công nghệ thông tin, Luật, đặc biệt là ở tổ hợp C00.

Với 29,3 điểm cho các ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang là trường có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 tính đến thời điểm này, xét trên thang điểm 30, theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm nay, gây bất ngờ là Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi có đến 4 ngành lấy điểm chuẩn trên 28: Giáo dục tiểu học là 28,89; ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử và Địa lý cùng lấy điểm chuẩn 28,76.

Sư phạm Lịch sử cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của ĐH Cần Thơ trong năm 2024 với 28,43 điểm. Đây là ngành duy nhất lấy điểm chuẩn trên 28, các ngành còn lại lấy ngưỡng trúng tuyển từ 15 - 27,9 điểm. Sư phạm Lịch sử cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với 28,13 điểm. Ngành này cũng là ngành duy nhất tại ĐH Đà Nẵng yêu cầu thí sinh đạt trên 28 điểm mới trúng tuyển. Ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn tại ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cùng lấy ngưỡng trúng tuyển 28,83, cao nhất mùa tuyển sinh 2024 tại trường. Một ngành khác là Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng lấy điểm chuẩn 28,42 điểm. ĐH Vinh cũng có một số ngành lấy điểm chuẩn trên 28: Giáo dục tiểu học là 28,12 điểm, Sư phạm Lịch sử - Địa lý lấy điểm chuẩn 28,25.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi so sánh với năm 2023, lĩnh vực có tỉ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất là khối khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 200.000 nguyện vọng, tương đương tăng khoảng 85%. Việc này cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí...

Ở các trường đào tạo ngành Luật đã công bố điểm chuẩn, nhiều trường có mức điểm tăng so với năm 2023. Trường ĐH Luật Hà Nội có điểm chuẩn dẫn đầu là Luật Kinh tế, tổ hợp C00 với 28,85 điểm; tăng 1,49 điểm so với năm ngoái. Theo sau là ngành Luật, cũng ở tổ hợp C00 với 28,15 điểm. Ngành Luật đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk thấp nhất với 22,85 điểm ở mọi tổ hợp; tăng 4,7 điểm so với năm ngoái. Tương tự, điểm chuẩn của Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Luật TP HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM cũng đều tăng.

Ở khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn cao nhất đang thuộc về chương trình Khoa học Máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội với 28,53 điểm mới trúng tuyển. Ngành Kỹ thuật máy tính (IT2) và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Công nghệ thông tin (Global ICT) cũng đặt ra ngưỡng trúng tuyển trên 28, lần lượt là 28,48, 28,22 và 28,01 điểm. Và 28,5 là điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM).

Với khối ngành kinh tế, ĐH Ngoại thương cũng có một số ngành lấy điểm chuẩn từ 28 trở lên. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Trung lấy cao nhất là 28,5 điểm. 28,1 điểm là ngưỡng trúng tuyển của các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn và Marketing. Ngoài ra, ngành Kinh tế và Kinh tế quốc tế của trường này cũng yêu cầu thí sinh đạt 28 điểm mới trúng tuyển. ĐH Kinh tế Quốc dân có một ngành lấy 28.02 điểm là Thương mại điện tử. Đây là ngành duy nhất của trường lấy mức điểm trên 28 trong mùa tuyển sinh năm nay...

Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn?

Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, thí sinh cần xem danh sách trúng tuyển của trường đã có tên mình hay chưa. Đối với những trường hợp đã có tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh tiếp tục theo dõi thông báo từ nhà trường để chuẩn bị hồ sơ và hoàn thiện quy trình xác nhận nhập học.

Theo Bộ GD&ĐT, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh bắt buộc phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ. Thời gian hoàn thành xác nhận nhập học chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8.

Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận. Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Sau khi xác nhận nhập học, thí sinh sẽ được các trường ĐH gửi giấy báo nhập học về nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc giấy báo nhập học online.

Nếu trong đợt xét tuyển chính thức, thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học thì được quyền đăng ký xét tuyển bổ sung. Với trường hợp này, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển bổ sung được đăng trên website của các trường từ ngày 28/8/2024.

Thí sinh cần theo dõi kế hoạch của trường mà mình trúng tuyển. Các ĐH thường có kế hoạch nhập học riêng với những yêu cầu khác nhau, đăng tải trên website, fanpage chính thức hoặc gửi cho thí sinh qua email, số điện thoại, giấy báo...

Bộ GD&ĐT cho biết, từ ngày 28/8, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các trường xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Đọc thêm