Xu hướng nhiễm HIV/AIDS hiện nay: “Nghiêng” về giới trẻ, nhóm đồng tính, chuyển giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực từng bước kiểm soát HIV/AIDS, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều thách thức mới tiếp tục xuất hiện. Đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm HIV đang được phát hiện chủ yếu trong nhóm trẻ tuổi, nhóm quan hệ đồng giới nam, nhóm chuyển giới và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết tăng cường các giải pháp ngăn chặn sự lan rộng của căn bệnh thế kỷ trong nhóm này.
Cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. (Ảnh: Cục Phòng chống HIV/AIDS)
Cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. (Ảnh: Cục Phòng chống HIV/AIDS)

Chuyển dịch rõ rệt về hình thái qua các năm

Tại Việt Nam, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990 tại TP HCM, đến nay ước tính có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Dịch bệnh xuất hiện trên cả nước, với 100% tỉnh, thành phố và 701/705 quận, huyện (chiếm 99,43%) ghi nhận có người nhiễm. Đặc biệt, hơn 96% xã, phường cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm HIV/AIDS.

Trải qua hơn 30 năm “tuyên chiến” với căn bệnh thế kỷ, với nhiều nỗ lực, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, được đánh giá là điểm sáng quốc tế. Điển hình, Việt Nam đã được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục giảm 3 chỉ tiêu: giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030. Tức là giảm đến 200 lần số ca nhiễm so với thời điểm hiện tại, từ 200.000 ca xuống còn 1.000 ca mỗi năm. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. 95% độ bao phủ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân HIV/AIDS, gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế và hơn 95% những người điều trị ARV đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, qua từng năm Việt Nam liên tục đối mặt với những thách thức mới trong phòng, chống HIV. Một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa. Cụ thể, người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16 - 29 tăng từ 37,2% năm 2019 lên 48,7% năm 2022. Bên cạnh đó, dịch HIV còn được phát hiện chủ yếu trong nhóm quan hệ đồng giới nam (MSM), nhóm chuyển giới (GM) và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong các nhóm này.

Tại buổi họp báo hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức, số liệu đưa ra cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Trước số liệu trên, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận định dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và có sự chuyển dịch rõ rệt về hình thái qua các năm. Cụ thể, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% tháng 9 năm 2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9 năm 2024.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương thông tin thêm: “Trước đây, đường lây của bệnh chủ yếu truyền qua đường máu ở nhóm nghiện, chích ma túy, hiện nay chủ yếu truyền qua đường tình dục ở nhóm quan hệ đồng giới nam hay nhóm chuyển giới. Đặc biệt, việc lây truyền có dấu hiệu trẻ hoá trong các nhóm đối tượng này”.

Minh chứng là tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Riêng ở nhóm trẻ tuổi, nếu trước đây, chủ yếu các ca nhiễm ở nhóm thanh niên, những người có điều kiện kinh tế, thì hiện đã ghi nhận ở nhóm trẻ hơn, thậm chí ở cả những nhóm học sinh, sinh viên; số mắc ở độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 40% tổng số ca nhiễm HIV trong thời gian vừa qua.

Về địa bàn, các ca nhiễm HIV mới chủ yếu được ghi nhận tại khu vực phía Nam và các thành phố lớn. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 31,2% người nhiễm, TP Hồ Chí Minh có 24,3% và khu vực Đông Nam Bộ có 12,8%. Tuy nhiên, những năm gần đây, số liệu cảnh báo dịch cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV đang tiềm ẩn tại các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, đặt ra thách thức mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Giải pháp ngăn chặn kịp thời

PrEP được coi như “ngôi sao hy vọng” trong các biện pháp dự phòng nhiễm HIV cho nhóm MSM. (Nguồn: Tư liệu truyền thông phòng chống HIV/AIDS)

PrEP được coi như “ngôi sao hy vọng” trong các biện pháp dự phòng nhiễm HIV cho nhóm MSM. (Nguồn: Tư liệu truyền thông phòng chống HIV/AIDS)

Những năm qua, Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, dựa trên phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước ta đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Như đã nói ở trên, hiện nay các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao gồm nhóm trẻ tuổi, nhóm MSM và nhóm GM. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong nhóm trẻ, cộng đồng MSM, GM còn thấp. Đây chính là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Nhận thấy những khó khăn từ sự thay đổi hình thái lây nhiễm, ngành Y tế đã và đang đề ra những giải pháp thích ứng, phù hợp với nhóm nguy cơ cao, theo đó tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền virus HIV) và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM. Đối với hàng rào bảo vệ K=K, lợi ích của điều trị thuốc kháng virus (ARV) không chỉ giữ cho hệ miễn dịch của người mắc khỏe mạnh mà còn giảm lây truyền HIV. Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng ARV, trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.

Trong việc ngăn chặn HIV ở nhóm MSM, ngành Y tế triển khai các can thiệp linh hoạt, phù hợp như: Đa dạng các dịch vụ xét nghiệm, dự phòng điều trị PrEP, các dịch vụ thân thiện (một điểm đến nhiều dịch vụ),… Hiện, Việt Nam đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều mô hình cung cấp PrEP tại 29 tỉnh, thành phố, với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ. Trong giai đoạn 2020 - 2024, cả nước đã ghi nhận 111.159 người sử dụng PrEP ít nhất một lần, với tỷ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên đạt hơn 70%.

Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của các mạng lưới tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và các thành viên đồng đẳng đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thông qua việc tăng cường truyền thông tạo cầu trực tiếp, trên ứng dụng mạng xã hội... và thực hiện các sáng kiến như tìm ca nhiễm, xét nghiệm bạn tình, bạn chích (PNS), tiếp cận qua mạng lưới (SNS), các tổ chức này đã góp phần đáng kể trong việc tìm kiếm các ca nhiễm HIV trong cộng đồng. Họ đóng vai trò như những “cánh tay nối dài” của cán bộ y tế, hỗ trợ trực tiếp trong việc đưa khách hàng thuộc nhóm nguy cơ cao, khó tiếp cận đi xét nghiệm khẳng định, cũng như kết nối họ với các dịch vụ điều trị ARV hoặc dự phòng PrEP.

Tuy nhiên, với đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3, công tác tuyên truyền, tiếp cận vẫn còn khoảng trống, trong khi HIV đang tấn công mạnh vào giới trẻ. Bởi các nhóm CBO rất khó và gần như không thể vào các trường học để tuyên truyền kiến thức về phòng, chống HIV và sử dụng thuốc PrEP nếu không có sự giúp đỡ của CDC và Sở Giáo dục và Đào tạo. Để ngăn chặn HIV tấn công giới trẻ, trong thời gian tới, CDC các tỉnh cần tập trung phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhóm CBO, doanh nghiệp xã hội đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV vào trường học, đặc biệt là các trường THPT, THCS để các em có kiến thức phòng tránh, mang đến sự khoẻ mạnh cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đọc thêm