Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS

(PLVN) - Đây là một trong những mục đích mà Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Ảnh minh họa: tiengchuong.vn
Ảnh minh họa: tiengchuong.vn

Bộ Y tế cho biết, sau khi Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được thông qua năm 2006, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành luật: Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (nội dung liên quan đến lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS).

Mặc dù đạt được một số kết quả, tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập trong các Nghị định nêu trên cần phải được khắc phục kịp thời.

Những tồn tại, bất cập

Với Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007, do Nghị định ban hành từ năm 2007, nên việc quy định về các biện pháp và đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV chưa đầy đủ, chưa đảm bảo việc mở rộng các giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV và cụ thể hóa các nhóm đối tượng cần can thiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi về tình hình dịch tễ HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi theo như quy định của Điều 21 của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2020.

Hoạt động về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn trước chủ yếu do các chương trình và dự án triển khai, tuy nhiên giai đoạn mới trong bối cảnh tăng cường việc chủ động, suy giảm về nguồn lực viện trợ, không còn tồn tại chương trình mục tiêu, thay đổi cơ chế đảm bảo tài chính, nên các quy định về thẩm quyền phê duyệt các biện pháp và kinh phí cho hoạt động cần phải thay đổi để tương ứng với tình hình mới.

Việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế cần phải thay đổi, đồng thời thực tiễn phát sinh 03 nhóm đối tượng được cấp thuốc ARV miễn phí. Đồng thời việc triển khai chế độ chính sách cho các nhóm đối tượng trên cũng chưa được quy định cụ thể.

Với Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, về việc áp dụng các quy định pháp luật đối với người nghiện ma túy đã có nhiều thay đổi được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó một số quy định cũ đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện theo Nghị định số 90/2016/NĐ-CP sẽ cần phải cập nhật lại cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế.

Về việc người bệnh đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế còn bất cập, dẫn tới rất ít đối tượng trong các cơ sở khép kín tự nguyện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trong trại giam. Quy định về đối tượng đăng ký tham gia điều trị nghiện, hồ sơ đăng ký tham gia điều trị, quy trình tiếp nhận vẫn còn nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tế là một trong những khó khăn đối với người bệnh khi tự nguyện tham gia điều trị.

Về công bố cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong đó có một số thủ tục không phải là thủ tục hành chính cần phải được bãi bỏ, một số hình thức công bố lại không còn phù hợp với thực tiễn và không phát sinh thủ tục hành chính cần phải hiệu chỉnh.

Về điều kiện nhân sự của cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh. Về điều kiện đảm bảo cho công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trong đó có quy định về định mức thu được ban hành từ năm 2015 đến nay đã không còn phù hợp và cần được cập nhật lại theo các quy định mới về cách tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, việc ưu đãi phụ cấp theo vị trí việc làm cơ cấu chưa hợp lý, chưa khuyến khích được người lao động.

Với Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Điều 16, 17 của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, việc Bộ Y tế thông báo cơ sở tham chiếu xét nghiệm HIV đang được thực hiện theo cách thức Bộ Y tế chỉ định đơn vị trực thuộc là cơ sở tham chiếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, có thể phát sinh việc không duy trì đảm bảo điều kiện, khó thực hiện thủ tục thay đổi khi có sự thay đổi về nhân sự, tên... cũng như thẩm quyền quyết định cơ sở tham chiếu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm chiếu HIV.

Một số quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự cần phù hợp với các văn bản quy định về khám chữa bệnh, an toàn sinh học.

Cần đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục và liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia.

Tạo sự đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Theo Bộ Y tế, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung năm 2020 chưa có văn bản quy định chi tiết cho việc thực hiện vì vậy cần phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ để quy định việc thực hiện và điều kiện được tham gia.

Theo yêu cầu của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Cần xem xét cắt giảm một số điều kiện không còn phù hợp, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đăng ký và tổ chức triển khai các cung cấp dịch vụ.

Việc xây dựng 1 Nghị định tổng thể thay thế các Nghị định số 108/2007/NĐ-CP, 75/2016/NĐ-CP, 90/2016/NĐ-CP và một số điều của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP cần sửa đổi bổ sung là cần thiết.

Điều này nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong các quy định liên quan đến quy định chi tiết của Luật Phòng, chống HIV/AIDS về dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm tác hại, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, điều trị HIV/AIDS, tư vấn và xét nghiệm HIV, huy động sự tham gia của nhóm đối tượng đích và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cho đến ngày 11/11/2023.

Đọc thêm